Tối 4-10, Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 2 TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri quận 3 trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tổ ĐBQH đơn vị 2 gồm ĐB Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH; ĐB Trần Kim Yến, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP.HCM.
Phối hợp tìm nguyên nhân để sớm hỗ trợ người dân
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thị Thu Trang (phường 12) nêu thực trạng về việc đăng ký hộ khẩu cho trẻ em trên địa bàn gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân là do vướng các quy định của Luật Cư trú mới.
"Năm 2023, quận 3 có 1.462 trẻ sơ sinh nhưng chỉ có 597 trẻ được đăng ký thường trú, hơn 50% còn lại chưa được đăng ký. Tính đến nửa đầu năm 2024, trong 577 trẻ thì có tới 370 trường hợp chưa được đăng ký thường trú" - bà Trang nói.
Bà cũng chỉ ra rằng, Điều 20 của Luật Cư trú yêu cầu người đăng ký hộ khẩu phải có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình; trường hợp chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình thì phải được sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc chủ hộ, điều này gây khó khăn cho nhiều gia đình.
"Theo khảo sát, những trường hợp còn lại dù cha mẹ đã có hộ khẩu nhưng các cháu vẫn chưa được nhập khẩu. Nguyên nhân là do chủ hộ đã qua đời, các thành viên trong hộ chưa thỏa thuận được người làm chủ hộ mới, hoặc chủ sở hữu đã mất nhưng thủ tục thừa kế vẫn chưa được giải quyết" - bà nói thêm.
Bà Trang cũng đề cập đến việc trước đây quận 3 có hệ thống liên thông ba thủ tục gồm đăng ký khai sinh, bảo hiểm và hộ khẩu, mang lại sự tiện lợi cho người dân. Tuy nhiên, từ khi Luật Cư trú mới có hiệu lực, quy trình đăng ký hộ khẩu đã trở nên phức tạp hơn.
Bà nhấn mạnh rằng Luật Trẻ em yêu cầu đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ em, và kiến nghị Bộ Công an, Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể nhằm giải quyết những trường hợp trẻ chưa được nhập hộ khẩu.
Trao đổi với cử tri, ĐB Trần Kim Yến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, cũng bày tỏ lo lắng về tỉ lệ trên 50% trẻ em chưa được đăng ký hộ khẩu trên địa bàn.
Qua đó, bà Yến đề nghị các bên liên quan phối hợp làm rõ nguyên nhân của thực trạng này. Bà cũng đề nghị nên dẫn chứng các lý do vướng mắc để phản ánh cụ thể với cơ quan có thẩm quyền.
"Bởi việc này không chỉ ảnh hướng bảo đảm quyền lợi cho trẻ em mà còn ảnh hưởng đến công tác quản lý địa bàn và quản lý hộ khẩu của quận" - ĐB Trần Kim Yến nhấn mạnh.
Chính phủ, Thường vụ QH có những phản ứng chính sách kịp thời
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri nêu vấn đề về những vướng mắc trong các thể chế pháp luật và cần được gỡ vướng sớm.
Dẫn chứng, cử tri nêu trước đó Bộ trưởng KH&ĐT có nói ở các nước trên thế giới họ làm các quy trình rất đơn giản, do vậy Việt Nam cũng cần sớm hoàn thiện các thiện thể chế để tháo gỡ các vướng mắc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Liên quan đến kiến nghị này, ĐBQH Đỗ Đức Hiển cho biết thời gian qua, QH, Chính phủ rất chú trọng công tác xây dựng thể chế.
Với mong muốn kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát các quy định của pháp luật, trên cơ sở đó đã khẩn trương xây dựng ba dự án luật để đề nghị Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua ngay tại kỳ họp thứ 8 tới đây.
Cụ thể, (1) Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật quy hoạch, Luật đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật đấu thầu; (2) Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật chứng khoán, Luật kế toán, Luật kiểm toán độc lập, Luật ngân sách nhà nước, Luật quản lý tài sản công, Luật quản lý thuế, Luật dự trữ quốc gia và (3) Luật Đầu tư công (sửa đổi).
“Quan điểm chỉ đạo của việc sửa đổi các luật nêu trên là tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển” – ông Hiển nhấn mạnh.
Theo ĐBQH Đỗ Đức Hiển, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã xem xét, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các dự án luật nêu trên, riêng đối với Luật Đầu tư công (sửa đổi) nếu chuẩn bị tốt cũng sẽ được thông qua tại kỳ 8.
Đồng thời, cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án luật này để trình QH xem xét, trên tinh thần đổi mới, theo nguyên tắc luật chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của QH.
Đáng chú ý là không luật hóa các nội dung văn bản dưới luật, những vấn đề chưa ổn định do các quan hệ kinh tế-xã hội đang trong quá trình vận động có nhiều thay đổi để bảo đảm đúng thẩm quyền, tính ổn định của luật. Điều này cũng đồng thời tạo được sự chủ động, kịp thời trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các Bộ đáp ứng yêu cầu thay đổi nhanh của thực tiễn.
“Với quan điểm, cách làm đó cho thấy sự phản ứng chính sách rất kịp thời của Chính phủ, của Ủy ban Thường vụ QH” – ông nói thêm.
Trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam tại kỳ họp 8
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Cao Tình nêu kiến nghị cần có các biện pháp đảm bảo an toàn cho vận tải hành khách bằng tuyến đường sắt Bắc Nam.
“Tuyến đường này đã hoạt động gần một thế kỷ, hiện đang xuống cấp, thời gian qua một số đoạn đã xảy ra tai nạn gây thiệt hại về người và tài sản” – ông Tình nói và đề xuất tính toán để thay thế các đoạn đường ray đã cũ trên địa bàn huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế), đồng thời yêu cầu tàu giảm tốc độ tàu khi đi qua các tuyến đường giao cắt.
Đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, ông Tình kiến nghị thuê đơn vị tư vấn để khảo sát và lập báo cáo tiền khả thi cho dự án.
Theo ông, khi dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động, tuyến đường sắt hiện hữu sẽ được sử dụng chủ yếu để vận chuyển hàng hóa, giúp tối ưu hóa hạ tầng giao thông đường sắt của quốc gia.
Trước đó thông tin với cử tri, ĐB Đỗ Đức Hiển cho biết trong chương trình kỳ họp 8, QH cũng sẽ xem xét về quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.