Sáng 15-11, ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa-Vũng Tàu) dành cả phần thảo luận của mình về dự án Luật giáo dục chỉ nói một vấn đề: thực nghiệm.
Theo ĐB Tuấn, thời gian qua vấn đề thí điểm, thực nghiệm của ngành giáo dục có một số chỗ không đạt yêu cầu. "Lấy học sinh ra làm chuột bạch... Được thì tốt, không được thì không biết học sinh đi về đâu vì sai một li là đi một dặm" -ĐB tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhấn mạnh.
ĐB Dương Minh Tuấn phát biểu ý kiến vào sáng 15-11.
Theo vị ĐB, từ kỳ họp trước đã đề nghị các chương trình thí điểm, thực nghiệm phải được Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trước khi triển khai. Đề nghị này đã được ban soạn thảo đưa vào nội dung dự thảo lần này, tuy nhiên ông bức xúc vì mới nghe qua ban soạn thảo có vẻ rất cầu thị nhưng đọc kỹ câu chữ thì cách viết lòng vòng và không thể hiện sự cầu thị, tiếp thu.
ĐB Tuấn dẫn chứng rằng dự thảo chỉ quy định: Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi áp dụng đại trà đối với chính sách mới trong giáo dục đã được thí điểm thành công: "Điều này có nghĩa là chỉ khi nào áp dụng đại trà mới trình xin ý kiến, còn thí điểm thì không. Như vậy, thực chất ban soạn thảo vẫn giữ nguyên quan điểm việc thực nghiệm, thí nghiệm không cần thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội".
"Thực tế, chương trình VNEN (mô hình trường học mới tại Việt Nam - PV) tốn bao nhiêu tỉ nhưng cuối cùng thì Bộ GD&ĐT chỉ nói nghiêm túc rút kinh nghiệm thì học sinh đi về đâu?” - ĐB này nói và đề nghị ban soạn thảo tiếp thu ý kiến về vấn đề này, nếu không cũng phải nói rõ lý do chứ không nói lòng vòng.
Đề cập vấn đề chuẩn với giáo viên THCS, ĐB Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) băn khoăn việc sinh viên không tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm lại có cơ hội được tuyển dụng vào ngành giáo dục như những sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm.
Theo ĐB Hà, một người theo ngành sư phạm phần lớn đều có tình cảm và khả năng trong ngành nghề này, họ được đào tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản trong nhiều năm học. Trong khi đó một người tốt nghiệp ĐH ngành khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong vòng ba tháng liệu có nắm bắt và hình thành kỹ năng nghiệp vụ sư phạm hay không.
“Chúng ta lý giải là thu hút người giỏi ngoài sư phạm, tuy nhiên đặt lại vấn đề nếu những người thực sự giỏi thì họ làm đúng ngành họ học chứ sao lại bỏ ngành nghề mà họ đã theo. Cấp THCS là đối tượng căn bản, học sinh thời này có sự phát triển mạnh mẽ và tâm lý rất phức tạp nên giáo viên ngoài kiến thức chuyên môn cần có tác phong và nghiệp vụ sư phạm được đào tạo bài bản. Tôi nghĩ nếu chính sách này được triển khai thì không những không tuyển được người giỏi vào ngành sư phạm mà có thể nảy sinh tiêu cực trong tuyển dụng” - bà Hà nói.
Cùng quan điểm, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị quy định chỉ sử dụng giáo viên tốt nghiệp sư phạm chính quy vào giảng dạy, không tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp ĐH ngành khác sau đó bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để giảng dạy, nhằm đảm bảo giáo viên có kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, được đào tạo chuyên sâu.