Đại biểu chất vấn về xả thải trên sông Giêng giáp ranh Bình Thuận - Đồng Nai

(PLO)- Tình trạng ô nhiễm trên sông Giêng đã kéo dài hơn chục năm nhưng vẫn chưa kiểm soát được, hậu quả là người dân gánh chịu hết năm này đến năm khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa XI diễn ra từ ngày 8 đến ngày 9-12, vấn đề xả thải của Nhà máy cồn Tùng Lâm (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) làm ô nhiễm nguồn nước sông Ui và sông Giêng tiếp tục được các đại biểu đưa ra chất vấn.

Đây là vụ việc đã kéo dài hơn 10 năm nay, trong đó Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều loạt bài phản ánh.

hop-hđnd-binh-thuan-2022

Quang cảnh kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Bình Thuận. Ảnh ĐH

Theo văn bản trả lời của Sở TN&MT Bình Thuận, để phối hợp giải quyết tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại khu vực giáp ranh hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, Sở đã có công văn ngày 6-6 gửi Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai đề nghị phối hợp kiểm tra, giám sát nguồn thải đổ vào sông Giêng, khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai.

Sở này cũng phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai tổ chức kiểm tra, giám sát thực tế tại dự án vào ngày 21-9-2022 và ngày 19-10-2022.

Theo đó, trong thời gian dừng hoạt động từ tháng 4-2022 cho đến ngày 16-10-2022, công ty có cho vận hành máy móc trong ba ngày (từ ngày 28-7 đến ngày 30-7) để duy trì máy móc thiết bị tránh bị rỉ sét, hư hỏng.

Trong quá trình dừng hoạt động, công ty vẫn duy trì vận hành bể hiếu khí 1, 2 của Hệ thống xử lý nước thải tập trung để nuôi dưỡng vi sinh.

Ngày 10-10, Công ty có thông báo thời gian sản xuất trở lại gửi hai Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận. Ngày 19-10, Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận tổ chức giám sát tình hình hoạt động và thu mẫu chất thải phát sinh của dự án.

hdnd-tinh-binh-thuan-2022

Một góc Nhà máy cồn Tùng Lâm (chụp năm 2013). Ảnh: PHƯƠNG NAM

Theo báo cáo của Công ty, Nhà máy hoạt động trở lại từ ngày 16-10, nguyên liệu sản xuất là bắp khô, sản lượng bình quân khoảng 120 – 150 tấn/ngày, nước thải phát sinh khoảng 45 m3/giờ (theo ghi nhận thực tế của đồng hồ đo lưu lượng). Nước thải sau xử lý được tái sử dụng, không xả vào nguồn tiếp nhận (sông Ui).

Tuy nhiên, riêng tại khu vực cụm bể lắng tròn bằng bê tông (dùng tách pha nước tái sử dụng cho việc nấu dịch bắp, gần bể Biogas) có lượng nước nhiều, cao mấp mé thành bể nên nguy cơ tràn ra nguồn nước suối sông Ui khi có mưa lớn kéo dài. Công ty cũng thiếu biện pháp rào chắn để bảo vệ an toàn cho người, gia súc tại các bể chứa nước thải; chưa hoàn thành vị trí lỗ khoan để phục vụ cho thu mẫu khí thải ống khói lò hơi.

Đoàn công tác đã lấy hai mẫu nước thải sau hệ thống xử lý nước thải để phân tích các thông số ô nhiễm môi trường để đánh giá hiệu quả xử lý của các công trình xử lý nước thải.

Từ tháng 4-2013, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh việc nhà máy cồn Tùng Lâm chôn một ống mềm màu xanh khoảng nửa cây số được dẫn từ nhà máy ra và được chôn ngầm dưới con lộ đất đỏ cặp bên hông nhà máy.

Phía bên trái cổng nhà máy, một hệ thống xả thải khác được dẫn theo đường máng bê tông xả công khai hằng ngày đã biến một con mương nhỏ thành sông!

Ống mềm chụp bên hông nhà máy chụp năm 2014. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Ống mềm chụp bên hông nhà máy chụp năm 2014. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Sau khi nhà máy này đi vào hoạt động, cá trên sông Giêng chảy qua huyện Hàm Tân, Bình Thuận bỗng dưng chết trắng sông; người dân tắm bằng nước sông thì bị ngứa ngáy, ghẻ lở…

Thanh tra Bộ TN&MT phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận vào cuộc kiểm tra, phát hiện một ống nhựa loại lớn chôn dưới đáy sông, được lắp xuyên qua chân đập cạnh Nhà máy cồn Tùng Lâm. Lực lượng chức năng sau đó đã huy động máy xúc phá dỡ đường ống.

Tình trạng ô nhiễm trên sông Giêng đã kéo dài hơn chục năm nay nhưng đến nay cả hai tỉnh Đồng Nai-Bình Thuận vẫn chưa kiểm soát được. Các nhà máy, cơ sở gây ra ô nhiễm nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhưng hậu quả thì người dân Bình Thuận phải gánh chịu hết năm này đến năm khác.

Thậm chí Bộ TN&MT, Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an đã vào cuộc nhưng năm nào cũng xảy ra tình trạng cá chết nổi trắng bụng trên sông Giêng.

Hơn chục năm nay, ‘điệp khúc” xả thải-ô nhiễm-cá chết-kiểm tra-xử phạt rồi đưa ra chất vấn cứ lặp đi, lặp lại.

Đồng Nai, Bình Thuận cứ trao đổi công văn cho nhau, lập hết đoàn kiểm tra này đến đoàn kiểm tra khác nhưng cá vẫn cứ chết và người dân vẫn kêu trời vì ô nhiễm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm