Cụ thể, tại kỳ họp 3 này, Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết này.
Cho ý kiến về nội dung này, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng nghị quyết về xử lý nợ xấu được bổ sung quá gấp và chưa được nghiên cứu kỹ. Ông cho rằng nghị quyết có những quy định trái với một số luật hiện hành sẽ gây thắc mắc lớn trong dư luận cử tri và cán bộ công chức.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
Theo đó, ông đề nghị cần tính kỹ “cách tháo gỡ” vì “không nhất thiết phải bằng một tiền lệ trái với luật hiện hành tuy nghị quyết và luật có giá trị pháp lý như nhau nhưng tính chất hoàn toàn khác nhau”.
Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Có dư luận trong một vài ĐBQH lo ngại coi chừng Nghị quyết này giúp cho một số người thoát khỏi trách nhiệm của những sai phạm vừa rồi, trong khi những sai phạm này gây hậu quả hết sức nặng nề. Nhà nước phải lãnh trách nhiệm về mấy chục nghìn tỷ nợ xấu sẽ ảnh hưởng đến ngân sách và tiền thuế của dân, trong khi xử lý cá nhân sai phạm rất chậm chạp, thu hồi tài sản khó khăn. Phải làm cho người dân hiểu Nghị quyết này không làm, hoặc vô tình khiến một số người có sai phạm gây tổn thất lại thoát khỏi trách nhiệm”
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành uỷ TP.HCM, lại cho rằng trong những điều kiện cần thiết vẫn cần ban hành nghị quyết để khắc phục những hạn chế hoặc những vấn đề thiếu thực tiễn, hoặc luật ban hành không đi vào cuộc sống được mà chưa kịp sửa luật, hoặc sửa luật cần quy trình và thời gian...
“Hiện có một số luật nếu áp dụng đối với TP.HCM thực sự sẽ gây khó khăn rất lớn, ảnh hưởng đến việc điều hành, vận hành quá trình phát triển của thành phố nên TP đang tính đến chuyện đề nghị QH có nghị quyết riêng cho TP. HCM như nghị quyết về vấn đề ngân sách”, ĐB Tâm lấy ví dụ.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) đồng tình việc ban hành nghị quyết là cần thiết, tuy nhiên ông đề nghị: “Nghị quyết này phải xác định rõ phạm vi giải quyết nợ xấu từ 31-12-2016 trở lại, và chỉ tồn tại trong 5 năm. Nếu không, sẽ có một bộ phận trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục gây ra nợ xấu và dựa vào văn bản này để giải quyết. Song hành với Nghị quyết này phải có cơ chế siết chặt trách nhiệm của những tổ chức để xảy ra tình trạng nợ xấu như vậy”.
Ông cũng đề nghị, phải bổ sung trong nghị quyết một số nguyên tắc xử lý nợ xấu như: không sử dụng ngân sách để mua nợ xấu; nguyên tắc xử lý trách nhiệm đối với những người xảy ra nợ xấu; nguyên tắc không được phép bán nợ xấu cho nước ngoài.
“Sau nghị quyết cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam dẫn đến câu chuyện nhiều lô đất, bất động sản người nước ngoài mua. Nếu tổ chức nước ngoài mua nợ xấu đó thì có ảnh hưởng tới an ninh quốc gia hay không, độc lập chủ quyền thế nào?”, ĐB Đức nói.
ĐBQH Hoàng Văn Cường
Liên quan đến việc trình Nghị quyết xử lý nợ xấu quá gấp, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng việc điều chỉnh chương trình làm luật với lý do chưa chuẩn bị kịp các dự án luật thì phải làm rõ trách nhiệm.
“Việc bổ sung 2 nghị quyết, 4 luật thì đều cấp bách cần rút kinh nghiệm. Vì nghị quyết liên quan đến nợ xấu, bảo hiểm thất nghiệp mà đến nay mới cung cấp tài liệu rồi thông qua ngay thì làm sao có chất lượng”, ông Cường nói.
Kỳ họp 3 sẽ xem xét thông qua 13 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 5 dự luật khác. Trong đó có hai dự thảo nghị quyết được bổ sung vào chương trình kỳ họp 3 (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp) gồm: Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp… |