Theo ĐB Lê Quân, theo chỉ thị của Bộ Chính trị năm 2011 cũng như quyết định năm 2018 của Chính phủ thì mục tiêu đến năm 2020 phải có 30% học sinh trung học cơ sở học nghề và 2025 đạt 40%.
Tuy nhiên, đến nay thực tế mới đạt rất ít, khoảng 8%.
Ông Lê Quân góp ý cho dự án luật.
Ông cho rằng có việc phân luồng chưa tốt, chưa thực sự gắn với đào tạo, công tác phân luồng đa số phụ thuộc vào nỗ lực của các trường nghề, phải đến tận thôn xóm để tư vấn tuyển sinh.
Theo vị ĐB, con em học giỏi đỗ cấp 3, các địa phương ưu tiên trường chuyên lớp chọn nhưng chưa quan tâm đến đối tượng học sinh không đỗ cấp 3 làm lãng phí nguồn lực xã hội.
ĐB khẳng định xu hướng thế giới là gia nhập thị trường lao động sớm. Nếu học hết lớp 9 vào học nghề, 18-19 tuổi có thể gia nhập thị trường lao động với mức lương 8-9 triệu đồng/tháng, sau đó, có thể học liên thông vào đại học. Mô hình này đã thành công ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan hay các quốc gia phát triển như Pháp, Anh.
"Nếu phân luồng tốt cũng như đang giải quyết vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu, chúng ta có nguồn lao động chất lượng, tăng cường tuổi lao động sớm đặc biệt là con em nhà nghèo, người dân tộc thiểu số" - ông Quân nói.
Trách nhiệm của các bậc học, theo ĐB phải đào tạo đủ kiến thức, kỹ năng, phẩm chất để theo bậc trên. Đề nghị quy định là người học xong trình độ bậc dưới đủ điều kiện để học liên thông lên bậc trên, tránh tình trạng như hiện nay, học hết văn bằng, muốn liên thông lên đại học phải tham gia kỳ thi tuyển sinh quốc gia.
Ông đề nghị nên đưa vào dự luật là "học sinh THCS không chỉ học lên trung cấp mà có thể học lên cao đẳng...” - ông Quân nói.