“Lo ngại xây sân bay Long Thành làm tăng nợ công là có lý” - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh khi trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội (QH) ngày 27-10.
. Phóng viên: Vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất là tiền ở đâu để xây sân bay Long Thành. Chính phủ đã tính toán việc này như thế nào?
+ Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Trước hết phải thấy rằng về lâu dài thì việc xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết. Chúng ta phải làm để đáp ứng nhu cầu phát triển, nhất là khi hiện nay lưu lượng qua các cảng hàng không đã quá tải. Trong khi đó cơ hội để mở rộng những địa điểm cũ rất khó khăn. Hơn nữa, rất nhiều nước trong khu vực đã làm, nếu mình không làm thì không cạnh tranh được, dẫn đến mất lợi thế.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đang trả lời báo chí. Ảnh: T.VĂN
Còn về vốn liếng thì phải tính toán chặt chẽ. Chủ trương của Chính phủ là huy động nhiều nguồn vốn khác nhau. Bởi dự án cần vốn lớn lắm, ngân sách chỉ đáp ứng một phần thôi. Tuy nhiên, khi đã dùng ngân sách thì phải tính toán hiệu quả thế nào; an ninh tài chính quốc gia và an ninh nợ công ra sao…
. Theo báo cáo của Chính phủ thì nợ công đang rất lớn và có xu hướng tăng nhanh. Điều này khiến các đại biểu QH và dư luận hết sức lo ngại nếu chúng ta triển khai dự án sân bay Long Thành?
+ Thực ra lo ngại của đại biểu là có lý trong bối cảnh tài chính như tôi đã nói ở trên. Tuy nhiên, đây là mình tính bài toán lâu dài để làm sao hiệu quả nhất chứ không phải làm ngay một lúc. Trên thực tế có những nước nợ công đến 100% GDP nhưng vẫn khỏe mạnh, an toàn, không có vấn đề gì cả. Ngược lại có những nước chỉ vay khoảng 20%-30% GDP nhưng vẫn vỡ nợ. Cho nên quan trọng nhất vẫn là phải hiệu quả. Còn nếu đi vay, làm không hiệu quả, không trả được nợ thì vỡ nợ thôi.
. Theo tờ trình của Chính phủ, để triển khai dự án ngân sách sẽ phải bố trí một số tiền lớn để giải phóng mặt bằng. Điều này có tạo ra khó khăn gì không, thưa ông?
+ Đúng là bây giờ việc đầu tư hoàn toàn từ ngân sách rất khó, do vậy Chính phủ mở thêm hình thức hợp tác công - tư, nghĩa là có phần Nhà nước, có phần bên ngoài. Chứ với số vốn lớn như thế, mình không lo được cái gì thì cũng rất khó.
. Cũng theo tờ trình, Chính phủ sẽ bảo lãnh để doanh nghiệp vay vốn, sau đó doanh nghiệp tự làm, tự trả. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lo rằng nếu doanh nghiệp làm ăn không tốt thì cuối cùng Chính phủ cũng vẫn phải trả nợ thay?
+ Tôi đã nói đấy là một phương án để xem xét. Nếu sau này có nhiều nhà đầu tư vào thì Chính phủ không cần bảo lãnh nữa. Lo ngại của các đại biểu là đúng, Chính phủ phải làm rõ những vấn đề ấy để QH cân nhắc, quyết định sao cho lợi ích quốc gia đạt được.
. Xin cám ơn ông.