Sáng 16-5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã làm việc với UBND TP về tình hình kinh tế - xã hội và thực hiện Nghị quyết 98/2023, Nghị quyết 57/2022 của QH.
Quan tâm các dự án chỉ còn 5% là về đích
Tại buổi làm việc, ĐB Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành uỷ TP.HCM, nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội TP đã phục hồi khá rõ nét sau đại dịch COVID-19, các số liệu đều đạt mức cao nhất từ năm 2020 đến nay nhưng còn thấp so với thời điểm trước dịch.
Theo ĐB Ngân, mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 8% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI khó đạt được vì đầu nhiệm kỳ rơi ngay vào đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt âm. Ông Ngân nhìn nhận nếu tính bình quân các năm thì tăng trưởng kinh tế ba năm chỉ đạt 3,6%. Do đó, ông đề nghị tách năm 2021 ra, vì đây là năm bất khả kháng.
“Khi đó, bình quân tăng trưởng kinh tế năm 2022 và 2023 khoảng 7,8%, nếu năm 2025 đạt khoảng 8,2% thì vẫn có thể đạt được chỉ tiêu Đại hội đề ra” – ĐB Ngân phân tích.
Về giải ngân đầu tư công, ĐB Trần Hoàng Ngân cho biết TP rất nỗ lực và giải ngân tăng gấp 2,4 lần so với 2023 nhưng so với kế hoạch vốn chỉ đạt 7-8%. Với kế hoạch vốn lớn, ông đề nghị TP tập trung giải ngân, để có nguồn vốn đầu tư hạ tầng.
ĐB Ngân dẫn chứng hiện nay ở TP và cả nước có nhiều dự án chỉ còn “một chút nữa” là về đích nhưng bị dừng lại. Theo ông, có nhiều nguyên nhân khiến dự án bị “treo”, nếu là dự án đầu tư công có thể vướng vào các vụ án đang được toà xử lý, nếu là dự án đầu tư tư nhân có thể vướng về vốn, pháp lý.
“Mong TP dành thời gian quan tâm thêm các dự án mà còn một chút nữa thôi, 5-10% là xong dự án để ưu tiên tháo gỡ” – ông nói.
ĐB Ngân dẫn chứng toà nhà đối diện Chợ Bến Thành là dự án mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, ngay quảng trường trước chợ Bến Thành sắp tới được chỉnh trang rất đẹp; hiện chỉ còn “vài %” nữa là xong nhưng không thực hiện tiếp được.
“Chúng ta cũng phải lưu ý độ an toàn của các cần cầu sừng sững nhiều năm qua, mưa bão có thể gây tai họa” – ông nói và đề nghị TP.HCM làm việc ngay với các cơ quan Trung ương để ưu tiên tháo gỡ dự án này và các dự án mặt tiền lớn.
Kẹt xe, ngập nước là chuyện cử tri gặp hàng ngày
Còn theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, vấn đề ô nhiễm, kẹt xe, ngập nước… là những việc cử tri phải trải qua, chứng kiến hàng ngày.
“Mới mưa qua nay mà gây ngập, tại TP, mưa và ngập là chuyện đi đôi với nhau, là chuyện mà cử tri rất lo lắng trong khi đã có dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng” – ĐB Nghĩa nêu.
Ông Nghĩa cũng cho rằng những công việc mà TP làm nếu không gắn được với vấn đề dân sinh thì cử tri, đồng bào cũng không quan tâm, không thông cảm nhiều được. Bản thân chúng ta ngồi đây cũng thấy đó là vấn đề của chính mình.
Còn ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng vấn đề an sinh xã hội, chất lượng cuộc sống người dân TP là vấn đề mà ĐBQH chia sẻ với lãnh đạo TP. Song tình trạng kẹt xe, ngập nước, quá tải tại các bệnh viện đòi hỏi TP phải nỗ lực nhiều hơn để đáp ứng chất lượng của cuộc sống người dân.
Cử tri kiến nghị Quốc hội giám sát Khu Đô thị mới Thủ Thiêm
ĐB Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM, cho biết thời gian qua nhiều cử tri TP Thủ Đức liên tục phản ánh về các vấn đề liên quan Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu Công nghệ cao.
“Người dân có ý kiến đề nghị QH giám sát tối cao và ý kiến người dân rất quyết liệt” – ĐB Sang nói và đề nghị UBND TP quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới, tránh các vụ việc phát sinh, gây ảnh hưởng an ninh trật tự trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc các dự án tồn đọng thuộc diện Ban Chỉ đạo của Thành ủy TP.HCM, có sự tham gia phối hợp của lãnh đạo UBND TP, HĐND TP và cả Đoàn ĐBQH TP.
Ông Cường khẳng định đây là việc trong năm 2024 TP sẽ tập trung.