Ngày 3-4, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan.
Đại diện VKS đối đáp lại quan điểm bào chữa bổ sung của các luật sư.
Về hành vi bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) bị cáo buộc đưa 5,2 triệu USD cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, cựu trưởng đoàn thanh tra SCB) theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan; đại diện VKS đối đáp:
Bị cáo Trương Mỹ Lan là người nắm toàn quyền tại SCB và sắp xếp nhận sự hoạt động tại SCB. Do đó, việc bị cáo Văn làm theo chỉ đạo của bị cáo Lan để đưa 5,2 triệu USD cho bị cáo Nhàn là có căn cứ.
Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn. Ảnh: HOÀNG GIANG
Về nội dung bị cáo Nhàn cho rằng bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn đã chủ động đến đưa tiền, chứ bị cáo không chủ động nhận tiền và đã nhiều lần đề nghị bị cáo Văn đến lấy lại tiền, đại diện VKS không đồng ý quan điểm này, vì căn cứ lời khai của bị cáo Văn và bị cáo Nhàn tại CQĐT, tại phiên tòa, phù hợp lời khai nhân chứng là Nam Tuấn (lái xe của bị cáo Văn), xác định được rằng bị cáo Nhàn nhận tiền của bị cáo Văn 4 lần và những lần nhận tiền đều trong suốt quá trình thanh tra.
Lần nhận tiền thứ nhất là sau hai cuộc gặp gỡ bị cáo Lan để bàn bạc, tìm cách tháo gỡ khó khăn; bị cáo Lan đã nhờ bị cáo Nhàn giúp đỡ SCB. Lần thứ hai: tháng 3-2018. Lần thứ ba: tháng 12-2018, khi ban hành kết luận thanh tra. Lần cuối đưa tiền là sau 10 ngày ban hành kết luận thanh tra.
Sau mỗi lần mang tiền đến, bị cáo Văn đều trực tiếp nói với bị cáo Nhàn hoặc thông qua điện thoại “Đây là tiền của chị Lan cảm ơn chị vì đã hỗ trợ SCB”.
VKS khẳng định: Không có việc bị cáo Nhàn có ý định trả lại tiền. Vì nếu như bị cáo có ý định trả lại tiền, thì lần gặp đầu tiên khi bị cáo Văn đưa 200.000 USD tại nơi làm việc, bị cáo Nhàn phải trả lại ngay.
Bị cáo Văn không nhận thì bị cáo có nhiều biện pháp, có thể cầm tiền lên báo cáo lãnh đạo, tố cáo hành vi của bị cáo Văn. Tuy nhiên sau lần thứ nhất, thì bị cáo chấp nhận việc Văn đến nhà riêng gửi tiền và lần thứ 3 cũng vậy, nếu không có ý định thì sẽ không cho Văn lên nhà, mà còn cho mật khẩu để Văn vào nhà để tiền. Đến lần thứ 4 là sau khi ban hành kết quả thanh tra, bị cáo Nhàn đã nhận đủ 5,2 triệu USD.
Sau khi nhận tiền, từ 2018 đến 2023, bị cáo Nhàn đã xé nhỏ tiền ra gửi nhà người thân, người quen của bị cáo. CQĐT đã đến để thu lại số tiền phù hợp theo lời khai của bị cáo.
Cạnh đó, việc bị cáo Nhàn cho rằng với vai trò trưởng đoàn thanh tra, bị cáo đã thực hiện đúng công vụ, nhiệm vụ...; VKS nhận định rằng chỉ đúng một phần. Bởi bị cáo báo cáo đầy đủ, thể hiện ở báo cáo của tổ, của toàn đoàn thanh tra, biên bản ký giữa SCB và Đoàn thanh tra sau khi trình thanh tra. Qua đó, nêu lên nhiều sai phạm của SCB và kiến nghị phân loại SCB thuộc nhóm 5 nợ xấu, và kiến nghị xử lý hình sự một nhóm khách hàng.
Sau đó, SCB đã có kiến nghị đề xuất chấp nhận nợ xấu, hạch toán lãi thu để tiếp tục trong tái cơ cấu… Bị cáo Nhàn lại tiếp tục chấp thuận theo đề xuất không đúng của SCB và đề xuất cho SCB nợ nhóm 1 để tiếp tục tái cơ cấu, đồng thời có nhiều báo cáo chỉnh sửa, làm mờ đi sai phạm của SCB.
VKS khẳng định: Bị cáo Nhàn có thái độ quanh co và đề nghị HĐXX xem xét thái độ thành khẩn của bị cáo.