Hội nghị thu hút 60 trường ĐH ngoài công lập (NCL) cả nước tham dự. Các đại biểu đánh giá cao báo cáo về thực trạng của nhóm chuyên gia về hệ thống các trường ĐH NCL. Tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng, việc chưa bình đẳng giữa hệ thống trong và NCL khiến các trường này khó phát triển.
Bà Nguyễn Thị Hồng Đào, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á, phân giải tuổi đời của các trường đại học NCL còn non trẻ, trong đó có 29 trường có tuổi đời 6-10 tuổi, 10 trường tuổi đời trên 20, còn lại giao động từ 10-20 tuổi. Trong khi tuổi đời các trường công lập đều trên 30 năm.
Bà Đào tính toán, trong khi 60 trường NCL thu hút 240.000 sinh viên, còn phải đóng thuế hơn 1.000 tỉ đồng. Nếu nhà nước có chính sách hỗ trợ bình đẳng thì sẽ có hiệu quả cao hơn đầu tư vào trường công lập. “Đây là sự bất bình đẳng, không nên có sự phân biệt công tư như vậy”, bà Đào thẳng thắn.
Ông Nguyễn Đình Ngộ, Hiệu trưởng Trường ĐH Phú Xuân, bức xúc vì nhiều năm ròng xin chuyển ĐH dân lập sang mô hình tư thục phi lợi nhuận bị tắc. Ảnh: P.ĐIỀN
Bà Đào cho rằng nhà trường đóng thuế là danh dự và kiến nghị nhà nước nên để lại số thuế hơn 1.000 tỉ đồng mà các trường ĐH ngoài công lập đã đóng để tái đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị, nâng cao đội ngũ…
Cùng đó, chính phủ cần cân đối tài chính giữa các khối trường để các trường NCL có cơ hội tiếp cận nguồn vốn. Vì thực tế các trường NCL tư bơi, còn các trường công được hỗ trợ đủ thứ từ đất đai, tài chính… “Nhà nước yêu cầu chúng tôi phải nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng thu nhập của người dân quá thấp. Không thể nói học phí thấp mà chất lượng lại cao được. Do vậy, chính phủ cần phải có sự hỗ trợ từng nhóm trường để các trường NCL vươn lên”, bà Đào nói.
Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, bổ sung thêm: "Nhà nước không nên bao cấp và cũng không nên để các trường tự chủ nữa vời. Trong khi chúng tôi đóng thuế, mà số tiền ấy lại đưa vào đầu tư cho trường công thì có hợp lý”, ông Minh chất vấn.
Đại diện hai trường ĐH Dân Lập Hải Phòng và Trường ĐH Phú Xuân, bức xúc nhiều năm nay phải bỏ tiền túi ra đầu tư cơ sở vất chất rất lớn và có nguyện vọng chuyển đổi sang mô hình trường ĐH phi lợi nhuận thì bị tắc lại vì nhiều lý do.
Ông Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân Lập Hải Phòng, nói: “Chúng tôi đem tất cả tài sản, đất đai khoảng 300 tỉ xin chuyển sang mô hình ĐH tư thục phi lợi nhuận, thế nhưng gần 20 năm nay vẫn chưa xong. Đây là tài sản của chúng tôi, chúng tôi tha thiết để được đóng góp cho giáo dục nước nhà. Vậy cớ gì lại kéo dài như vậy?".
Trước đó, phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, hội nghị lần này nhằm đánh giá những đóng góp của các trường ĐH NCL trong hệ thống giáo dục. Đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế của các trường để có những giải pháp khắc phục, tiến tới xây dựng hệ thống ĐH phát triển bền vững, đào tạo chất lượng, cơ chế tài chính minh bạch.
“Việc đánh giá lại chất lượng đào tạo các trường ĐH, để tiến tới các trường tốt, chất lượng đảm bảo sẽ vượt lên, ngược lại những trường không theo kịp sẽ bị tụt hậu, chuyển đổi mô hình hoạt động”, ông Nhạ nói.