Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII: Hành động vì cộng đồng

Thi đua là vượt qua khó khăn để vươn lên, là làm gương để huy động sức mạnh tập thể chống tiêu cực, là hành động hướng đến cộng đồng, là đưa những sáng kiến phục vụ xã hội, hay chỉ đơn giản là làm tốt nhất công việc của chính mình... Đó là những thông điệp gần gũi xuất phát từ những hành động cụ thể của các gương điển hình gửi gắm trong buổi giao lưu tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII diễn ra vào ngày 27-12 tại Hà Nội.

Chống tham nhũng cùng tập thể

Gương điển hình đấu tranh chống tham nhũng, ông Phạm Thanh Bình - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “Nói đến tham nhũng thì ai cũng ghét nhưng chống tham nhũng thì không phải ai cũng chống. Đã chấp nhận đấu tranh thì tránh đâu những hiểm nguy. Là anh bộ đội Cụ Hồ, tôi thấy mình cần phải huy động được sức mạnh tập thể trong cuộc đấu tranh với tham nhũng”.

Để được ngồi giao lưu như hôm nay, không biết đã bao lần ông Bình phải hứng chịu những đắng cay. Hết bị nhắc nhở đến phê bình, cảnh cáo, thậm chí là đe dọa nhưng ông vẫn không lùi bước đấu tranh chống lại những việc làm tiêu cực của chính lãnh đạo trong phường. Ngay cả khi bị lăng mạ, bị ném chất bẩn vào nhà và bị dồn vào thế phải nghỉ việc, ông vẫn tiếp tục kêu gọi sự tiếp sức của tập thể tố giác lên lãnh đạo cấp cao hơn. Cuối cùng, sự đeo bám quyết liệt của ông đã thành công. “Khác với cuộc chiến ngày xưa, cuộc chiến với tham nhũng là đấu tranh với kẻ thù vô hình. Có khi kẻ thù đang ngồi bên cạnh mà mình không biết. Vì vậy phải khéo léo, phải dựa vào sức mạnh tập thể mới đấu tranh nổi chứ một mình không bao giờ thành công. Thành công của tôi là nhờ vào sự hỗ trợ của rất nhiều người” - ông nói nhẹ nhàng như thể chưa có chuyện gì xảy ra với mình.

Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII: Hành động vì cộng đồng ảnh 1

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự đại hội. Ảnh: TTXVN

Nghe câu chuyện của ông Bình, một khán giả hỏi thẳng: “Nếu con trai ông tham nhũng thì ông sẽ xử lý thế nào?”. Ông Bình thẳng thắn trả lời: “Nó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như bất kỳ kẻ tham nhũng khác và tôi không bao giờ can thiệp!”. “Những người đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực cũng chính là những người thi đua yêu nước bằng hành động thiết thực nhất. Tôi có một đề nghị là nhà nước cần có cơ chế bảo vệ, động viên những người dám đấu tranh với tham nhũng để khuyến khích nhiều người tham gia vào mặt trận này. Như vậy, tôi tin tham nhũng sẽ được đẩy lùi” - ông Bình nói thêm.

Bạn đường của nhà nông

Không đương đầu với nguy hiểm như ông Bình nhưng bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Ba Huân (TP.HCM) và ông Đỗ Quý Hạo (một nông dân tỉnh Kiên Giang) lại có những hành động hết sức thiết thực hướng đến nông dân. Cái tên Ba Huân, Ba Hạo dường như là thương hiệu đặc trưng của bà con nông dân Nam Bộ.

Xuất hiện trong buổi giao lưu với quả trứng trong tay, bà Huân bộc bạch: “Nhìn quả trứng tôi lại nhớ đến những nông dân một nắng hai sương chăn vịt chạy đồng, nhớ cái thuở tôi 16 tuổi rong ruổi đi mua từng quả trứng và trở thành “cô lái đường dài”. Đến năm 2003, đại dịch cúm H5N1 xảy ra, hàng ngàn con vịt, hàng triệu quả trứng bị tiêu hủy, tôi rất xót xa. Xem tivi, thấy nước ngoài họ cũng bị cúm nhưng vẫn giữ được trứng cho bà con, tôi bắt đầu tìm hiểu và quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất trứng gia cầm sạch”. Hiện công ty của bà Huân cung cấp cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam 120.000 quả trứng/giờ và trở thành nhà phân phối trứng gia cầm lớn nhất trong chương trình bình ổn giá của TP.HCM.

Với ông Hạo, “vua khoai lang” là biệt danh nhiều người dành cho ông - chủ trang trại khoai lang có sản lượng 2.500 tấn/năm. Ông từng nhận được nhiều giải thưởng: Điển hình sáng tạo Việt Nam, Sao thần nông... nhờ vào các sáng kiến, phát minh như máy lên luống tự động bón phân có thể thay thế 200 nhân công/ngày và máy thu hoạch khoai lang. “Tôi ít học, chủ yếu lao động chân tay làm thuê cuốc mướn rồi tích lũy dần. Từ thực tế, tôi thấy nông dân tốn kém nhiều sức lực cho việc trồng trọt, thu hoạch quá mà thuê người thì biết chừng nào mới xong nên mới nghĩ đến chuyện làm sao để ít tốn sức mà lại làm được nhiều và nhanh. Vậy là tôi tìm tòi làm ra mấy cái máy đó” - ông Hạo chia sẻ.

Dù chỉ mới học đến lớp 7 nhưng ông tham gia học ở rất nhiều trường ĐH về quản trị kinh doanh và cả marketing, kỹ thuật ngoại thương... Ông nắm khá chắc về kỹ thuật trồng trọt cũng như cách trị các bệnh của cây trồng. Giải đáp thắc mắc của một khán giả về chuyện này, ông Hạo kể: “Tôi nghĩ làm gì cũng phải có học. Từ đam mê nghề nghiệp tôi tìm tòi thông tin, các tài liệu liên quan đến lĩnh vực mình làm. Ban đầu tham gia các lớp ĐH, tôi như vịt nghe sấm. Sau đó, tôi tham khảo thêm giáo trình rồi tự học các môn toán, hóa, sinh từ lớp 8 đến lớp 12 để nắm kiến thức cơ bản. Không hiểu thì tôi nhờ con và thầy giáo của con chỉ lại...”.

Tổng Bí thư NÔNG ĐỨC MẠNH:

Thi đua yêu nước là lợi ích của chính mình

Các cấp cần tiếp tục tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn về tầm quan trọng của công tác thi đua. Làm sao để mọi người tự giác tham gia phong trào thi đua, hiểu thi đua yêu nước là lợi ích của chính mình, của gia đình và dân tộc. Phong trào thi đua yêu nước phải gắn với mục tiêu thi đua cụ thể, với nhiệm vụ được giao và việc xây dựng bồi dưỡng con người. Những mô hình hay, giải pháp tốt đạt được trong thời gian qua cần được phát huy, nhân rộng. Thi đua trước hết không phải vì khen thưởng nhưng việc khen thưởng sẽ kích thích thi đua tốt hơn. Vì vậy, cần chú ý biểu dương, khen thưởng kịp thời các gương điển hình thiết thực.

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG:

Phong trào thi đua yêu nước đã vực dậy khó khăn

Thời gian qua, công tác thi đua và khen thưởng trong cả nước đã giúp chúng ta ứng phó có kết quả với những diễn biến phức tạp của khủng hoảng kinh tế thế giới, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, an sinh và phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm và bảo đảm ngày càng tốt hơn. Chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vị thế quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao… Đại hội là dịp để tôn vinh những tập thể, cá nhân anh hùng, chiến sĩ thi đua, những tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc. Qua đó, khơi dậy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

GIA NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm