Đại lễ kỳ siêu nạn nhân vụ thảm sát Sơn Mỹ

Tại lễ diễn ra sau 40 năm kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ, Quảng Ngãi, cầu siêu cho linh hồn 504 nạn nhân bị quân đội Mỹ sát hại.

Ấm lòng bởi tiếng kinh cầu

Sáng hôm qua, con đường từ TP Quảng Ngãi về xã Tịnh Khê - nơi xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ đông người hơn. Già trẻ, gái trai, du khách trong nước và nước ngoài, khách thập phương và thân nhân của các nạn nhân cùng dắt nhau về Sơn Mỹ.

Tại khu chứng tích, dưới chân tượng đài, 40 tăng ni của các chùa thuộc Giáo hội Phật giáo tỉnh đến từ rất sớm. Phó ban trị sự Giáo hội Phật giáo VN tỉnh Quảng Ngãi, hòa thượng Thích Trí Thắng, bộc bạch: “Cũng đã tham gia nhiều lễ cầu siêu nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức đại lễ cầu siêu cho 504 linh hồn bị sát hại. Đêm qua tôi chẳng ngủ nghê gì. Mong họ được siêu thoát...”. Ni sư Thích Nữ Hạnh Chơn ở chùa Viên Quang, phường Quảng Phú cho biết: “Không riêng gì các tăng ni, nhiều Phật tử cũng xin theo”.

Lễ cầu siêu chính thức được tiến hành lúc 8 giờ sáng. Trong khói hương, tiếng kinh cầu, tiếng gõ mõ, từng tên người bị giết hại trong vụ thảm sát được đọc lên. Trong lòng những người dân may mắn sống sót, tiếng trực thăng, tiếng lựu đạn, tiếng súng liên thanh, tiếng kêu thất thanh của người mẹ, người vợ, tiếng trẻ con khóc thét trong buổi sáng kinh hoàng 40 năm trước như chìm xuống. Trời Sơn Mỹ sau những ngày mưa giá rét như ấm hơn trong tiếng kinh cầu của các chư tăng...

“Mong đừng nơi nào có chiến tranh!”

Chị Đỗ Thị Tuyết, hiện ở Biển Hồ, tỉnh Gia Lai, là người sống sót sau vụ thảm sát, bật khóc: “Nghe tin tổ chức lễ cầu siêu, tôi bệnh mấy năm nay cũng cố gắng trở về. Mong ở bất kỳ nơi nào cũng đừng có chiến tranh”. Chỉ trong buổi sáng kinh hoàng năm đó, chị Tuyết trở thành đứa trẻ mồ côi mẹ và mất luôn bốn chị em. Đưa tay chỉ ngôi nhà được phục dựng trong khu chứng tích, chị nói: “Lần nào về tôi cũng ghé qua. Chắc linh hồn của mẹ và các chị em tôi đã siêu thoát”.

Bà Đỗ Thị Thinh, 70 tuổi cùng bà Phùng Thị Ngói ở xã Khê Thượng bước từng bước nặng nhọc lên những bậc tam cấp của khu chứng tích để dự lễ. Bà Thinh nghẹn ngào: “Đời người ai mà không chết nhưng chết tức tưởi như thế thì đau xót quá. Bây giờ chỉ mong cho bất kỳ ở đâu cũng sống trong hòa bình!”.

“Mong các linh hồn được siêu thoát, mong nơi nào cũng hòa bình...”. Ảnh: Võ Quý
“Mong các linh hồn được siêu thoát, mong nơi nào cũng hòa bình...”. Ảnh: Võ Quý

Chị Dianne, một du khách người Úc, sau khi xem những hiện vật và tranh ảnh trong khu chứng tích tâm sự: “Tôi muốn làm điều gì đó để chia sẻ nỗi đau mất mát trên mảnh đất này...”.

Từ khu chứng tích Sơn Mỹ, theo con đường bê-tông, chúng tôi vào xóm Thuận Yên - tâm điểm của vụ thảm sát năm đó. Sơn Mỹ xưa giờ đã có bệnh viện, trường tiểu học, đường sá khang trang. Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, ông Lư Trung Tín, cho hay: “Bên cạnh phát triển nông nghiệp, thủy sản còn tập trung phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch nên đời sống của bà con dần được cải thiện”.

Nỗi đau mất mát theo tháng năm đã dần nguôi ngoai. Nhiều người trở về dự đại lễ kỳ siêu có thể vui hơn trước những đổi thay diện mạo trên mảnh đất này...

Cách đây 40 năm, ngày 16-3-1968, một nhóm quân nhân Mỹ chiếm đóng làng Sơn Mỹ, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh). Với chủ trương đốt sạch, phá sạch, giết sạch, nhóm này đã biến nơi đây thành vùng đất chết khi sát hại 504 người dân vô tội, trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già. 24 gia đình bị giết sạch, 247 ngôi nhà bị thiêu cháy.

Ngày 16-3-2008, dưới chân tượng đài Sơn Mỹ, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức lễ tưởng niệm vụ thảm sát. 20 hãng thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình, trong đó có 10 hãng thông tấn nước ngoài như Kyodo (Nhật Bản), AFP (Pháp), Wort FM Radio (Mỹ), truyền hình Ucraina, Al jazeera English (Quata) đã có mặt chuẩn bị làm phóng sự, phim tài liệu và đưa tin về lễ tưởng niệm này.

- Hãng tin AP (Mỹ) đã tường thuật lễ cầu siêu cho các nạn nhân vụ thảm sát Mỹ Lai vừa qua và nhận định: “Ngày kỷ niệm này dường như đặc biệt khẩn cấp đối với những người Mỹ đến đây để tưởng niệm vụ thảm sát”.

- Tờ Los Angeles Times (Mỹ): “Nhân kỷ niệm này, chúng ta phải nhớ chúng ta có thể thua trong chiến tranh khi chúng ta không đủ dũng cảm để đối diện với điều tệ hại của bản thân chúng ta”.

- Trang web My Lai Peace Park Project (Mỹ) viết: “Tháng 3-2008, một phái đoàn những người sống sót sau hai vụ bỏ bom nguyên tử tại Hiroshima và Nagasaki (Nhật) trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã tới Mỹ Lai (Sơn Mỹ) để dự lễ kỷ niệm 40 năm cuộc thảm sát Mỹ Lai... Họ có cùng điểm chung là hy vọng vươn lên”.

NG.H – LL

VÕ QUÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm