Tờ Taipei Times hôm 1-5 dẫn một nguồn tin cấp cao từ chính quyền Đài Loan cho hay nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu lên kế hoạch sẽ đưa thêm các binh sĩ đến đảo Ba Bình và có thể sẽ triển khai tên lửa phòng không tầm ngắn đến đảo này lần đầu tiên.
Nếu được thực hiện, đây sẽ là lần đầu tiên tên lửa được điều đến hòn đảo mà Đài Bắc chiếm đóng phi pháp trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nguồn tin giấu tên cho biết phó chỉ huy lực lượng quân sự trên đảo Ba Bình sẽ được thăng cấp từ trung tá lên đại tá sau khi lực lượng đồn trú được triển khai thêm trên đảo này, bao gồm “việc tăng hỏa lực thích hợp”.
Tuy nhiên, nguồn tin từ chối cho biết liệu các binh sĩ được triển khai tới đảo Ba Bình sẽ bao gồm các quân nhân chuyên về hoạt động chống máy bay hay không.
Khi được hỏi về các thông tin trên hôm 29-4, Lực lượng tuần duyên Đài Loan cũng đã xác nhận kế hoạch điều thêm quân, bao gồm các binh sĩ được huấn luyện về pháo binh. Cơ quan này cũng xác nhận việc thăng cấp cho phó chỉ huy lực lượng quân sự ở đảo Ba Bình.
Một binh sĩ Đài Loan cạnh một máy bay vận tải quân sự trên đảo Ba Bình vào ngày 23-3-2016. Ảnh: TAIPEI TIMES
Lực lượng tuần duyên Đài Loan cho biết kế hoạch triển khai thêm quân được thúc đẩy bởi tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của đảo Ba Bình do tình hình căng thẳng “nguy hiểm” ở vùng biển khu vực hiện nay.
Một quan chức cấp cao có liên quan đến chính sách biển Đông của Đài Loan cho biết trong khi súng cối và súng phòng không chiếm đa số trong số các thiết bị quân sự ở đảo Ba Bình, Đài Loan vẫn còn thiếu tên lửa phòng không tầm ngắn để chống lại một cuộc tấn công trên không.
Tuy nhiên, kế hoạch của ông Mã Anh Cửu đã vấp phải sự phản đối của một số thành viên thuộc Ủy ban Đối ngoại và quân sự của nghị viện Đài Loan. Các nghị sĩ chỉ trích ông Mã Anh Cửu đã đưa ra các quyết định “nhạy cảm” thay vì rời các quyết định cho lãnh đạo tân cử Thái Anh Văn thuộc đảng Dân tiến (DPP) sắp nhậm chức vào ngày 20-5 tới.
Nghị sĩ La Trí Chính thuộc đảng Dân tiến cho biết vì ông Mã chỉ còn tại vị khoảng ba tuần nên mọi quyết đinh quân sự hay ngoại giao không mang tính cấp bách cần để lại cho chính quyền kế tiếp nhằm tránh hạn chế quyền ra quyết định của chính quyền mới.