Nhìn nhận của ông Chóng dựa vào đánh giá của công ty cảnh báo cá cược quốc tế Sportradar hồi đầu mùa này hợp tác với VPF chống tiêu cực.
Theo đó, sau mỗi vòng đấu, Sportradar đều có báo cáo chi tiết về các trận đấu và nhìn chung là V-League bình thường, không có tiêu cực. Đây là tín hiệu vui của giải vô địch quốc gia, sau vụ các cầu thủ Đồng Nai, Ninh Bình vừa bị treo giò, phạt tù vì dính dáng đến hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
Thế nhưng V-League và giải hạng Nhất đều do VPF nắm quyền tổ chức vẫn có những dấu hiệu bất thường. Như việc một số HLV phàn nàn về trọng tài, hay số lượng thẻ vàng, thẻ đỏ tăng đột biến. Đáng nói hơn là các sai phạm của trọng tài (nếu có) trên các sân Phú Yên (hạng Nhất), Chi Lăng, Thống Nhất đều không có một kết luận thỏa đáng nào để giải tỏa nghi ngờ cho những CLB khiến mỗi lần ra sân thì họ lại nơm nớp.
Trọng tài đang bị soi vì những phàn nàn của các đội và cả tiểu xảo của HLV. Ảnh: XUÂN HUY
Sai sót của trọng tài không thể nói không phải là một dạng tiêu cực, bởi nó ảnh hưởng đến kết quả lẫn tâm lý thi đấu của cầu thủ. Chỉ tiếc là thay vì răn đe, chấn chỉnh, uốn nắn công tác trọng tài để tốt hơn thì Ban trọng tài hay bênh chằm chặp. Đã từng có sự vỗ ngực tự hào của các nhà làm giải về giới trọng tài đạn bắn không thủng nhưng hóa ra tất cả đều thủng từ lâu rồi.
Đáng lo hơn cho việc chống tiêu cực nhờ vào sự hợp tác với Sportradar vẫn chưa “sờ” đến giải hạng Nhất. Đấy là mảnh đất dễ phát sinh “bệnh” do thiếu sự quan tâm của nhiều giới, đặc biệt là báo chí trong khi các trọng tài, cầu thủ đã quá hiểu cuộc chơi lọc lõi.
Đèn cá cược nhà mạng nước ngoài vẫn sáng không chỉ có V-League, dù phân tích của Sportradar chưa phát hiện có tiêu cực, mà bây giờ còn đỏ đèn tại các trận đấu ở hạng Nhất, hạng Nhì (do VFF tổ chức).
Đừng để đến lúc “cháy nhà” mới giật mình do “lỗi phần mềm” rồi nuối tiếc với hai chữ “giá như…”.