Dân chủ cơ sở thì tốt nhưng phải thực chất

(PLO)- Dân chủ ở cơ sở là vấn đề đã được Đảng đặt ra từ năm 1984 và sau đó đã được triển khai dưới hình thức quy chế dân chủ cơ sở ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Luật Thực hiện dân chủ cơ sở được hy vọng sẽ thực thi dân chủ một cách thực chất hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở là một nỗ lực thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý để không chỉ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” - quan điểm được Đảng khẳng định từ năm 1984, mà còn dân “giám sát và dân thụ hưởng” - nội dung mới được phát triển ở Đại hội XIII của Đảng.

Thảo luận bước đầu cho ý kiến ở phiên họp toàn thể ngày 14-6, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nhấn mạnh yêu cầu dân chủ hóa bằng câu chuyện cụ thể từ những vụ án, những sai phạm nghiêm trọng của người có chức, có quyền, mà nguyên nhân suy cho cùng là do mất dân chủ.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, tỉnh Đồng Nai đề nghị dành nguồn lực thích đáng cho tổ chức thi hành dân chủ ở cơ sở. Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, tỉnh Đồng Nai đề nghị dành nguồn lực thích đáng cho tổ chức thi hành dân chủ ở cơ sở. Ảnh: QH

Thực hiện tốt dân chủ cơ sở thì đã không có nhiều đại án đến vậy

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng nếu làm tốt dân chủ cơ sở thì đã không liên tiếp xảy ra những đại án tham nhũng. Như vụ án cựu chủ tịch Nguyễn Đức Chung, liên quan đến mua sắm chế phẩm Redoxy - 3C để xử lý nước ao hồ ô nhiễm tại Hà Nội, “nếu công bố công khai cho người dân biết nước hồ này phải xử lý bằng hóa chất này, được mua ở đâu, đơn vị nào cung cấp cho TP thì chắc chắn không thể kéo dài từ năm 2016 đến 2020 mới phát hiện sai phạm” - ông Cường nói.

Cũng như vậy, theo ĐB này, các vụ án tham nhũng như đặt máy, thiết bị y tế trong bệnh viện, mua bán đấu thầu thiết bị y tế, mua bán tài sản công, mà điển hình như vụ án AVG - MobiFone… đều giống nhau là đầy đủ quy trình, có đủ cơ quan tham gia ý kiến nhưng đều không được minh bạch, công khai.

“Vì vậy, khi sai lầm người dân chỉ nghe thông tin đồn thổi với nhau, không chính thống. Đến lúc sự việc xảy ra thì đồn thổi đó lại thành sự thật. Điều đó chứng tỏ nếu chúng ta công khai, cho người dân biết thì tất cả vụ này đều được ngăn chặn từ trước” - ông nói.

Từ lâu, Đảng đã nhận thức được yêu cầu dân chủ hóa, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Năm 1998, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu lúc ấy đã ký Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị phải xây dựng quy chế dân chủ cơ sở và cấp ủy, tổ chức đảng phải có nội dung kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, ĐB Hà Nội cho rằng: “Quy chế dân chủ dường như chưa đạt được sứ mệnh. Tôi đề nghị khi xây dựng luật thì có bước nâng cao, vượt trội so với quy chế” - ông đề nghị.

Theo đó, luật cần nêu rõ nguyên tắc trừ bí mật nhà nước, còn lại đều cần công khai cho người dân biết, nhất là những gì liên quan đến nguồn lực công, liên quan trực tiếp đến người dân. Đạo luật cần đưa ra tỉ lệ tối thiểu người dân được tiếp cận những loại thông tin cụ thể làm tiêu chí đánh giá về việc thực thi dân chủ.

Năm 1998, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu lúc ấy đã ký Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị phải xây dựng quy chế dân chủ cơ sở và cấp ủy, tổ chức đảng phải có nội dung kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.

Băn khoăn về tính khả thi của dân chủ ở DN

Nhưng cho dù có một luật hay thì việc tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở phải được quan tâm đầu tư thích đáng. ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) lấy ví dụ nguồn kinh phí eo hẹp cho đội ngũ cán bộ tổ dân phố, thôn, bản, ban công tác mặt trận và nói: “Đây là những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, mà dự luật giao họ rất nhiều nhiệm vụ. Nếu không quan tâm hỗ trợ họ thì luật rất khó triển khai” - ông nói.

Ông An còn đề nghị bỏ quy định thanh tra nhân dân, một chế định đã hình thành từ lâu ở bất cứ cơ quan, đơn vị nhỏ nào vì “cực kỳ hình thức”, đến mức “có lẽ đến lúc này tôi cũng chưa hình dung được trong Văn phòng QH ai đang là trưởng Ban Thanh tra nhân dân”. Chưa kể, ở xã, phường thì đã có HĐND làm chức năng giám sát.

Ở khía cạnh khác, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng dự luật đang mở rộng quá mức tới các quan hệ xã hội đã được Hiến pháp và nhiều luật khác điều chỉnh.

“Ví dụ quan hệ giữa người dân với nhau đã có Hiến pháp, BLDS điều chỉnh rất đầy đủ. Trong quan hệ dân sự có những nội dung không thể giải quyết bằng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Còn quan hệ lao động thì đã có Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, chưa kể quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động là bình đẳng, theo hợp đồng lao động. Vi phạm hay tranh chấp thì đã có công đoàn, trọng tài, tòa án giải quyết” - ông nói.

Vì vậy, ông Nghĩa đề nghị Luật Dân chủ cơ sở tập trung vào dân chủ theo nghĩa quan hệ giữa chính quyền và người dân. Đấy cũng là quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với người dân, quần chúng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Là bản chất của “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng” mà Đảng nhấn mạnh để giải quyết tình trạng mất dân chủ trong quan hệ giữa Nhà nước - nhân dân, người nắm quyền lực công và người dân.•

Ba đối tượng thực hiện dân chủ cơ sở

Giải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến ĐB. Bà cho biết dự luật thiết kế để thực hiện dân chủ ở cơ sở, gồm ba nhóm: xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị; doanh nghiệp (DN).

Trong đó, dân chủ ở DN, theo bà Trà là vấn đề không mới và không làm thay đổi bản chất quan hệ lao động, không làm ảnh hưởng và xung đột các luật liên quan, không mâu thuẫn các điều ước quốc tế về lao động mà Việt Nam tham gia. Nếu DN biết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động thì dân chủ tại DN cũng chính là cơ chế để hỗ trợ, thúc đẩy DN phát triển. “Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của ĐB, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện vấn đề này hơn” - bà Trà nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm