Nhiều băn khoăn về quy định dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp

(PLO)- Có nhiều quy định trong dự thảo Luật còn mang tính hình thức, khó khả thi nên cần cân nhắc thêm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở chiều qua (31-5), một nội dung được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm là thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp.

ĐB Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho hay việc thực hiện dân chủ cơ sở tại các cơ quan nhà nước đã được làm nhiều năm và được tổng kết đầy đủ. Còn dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp thì đây là lần đầu tiên nội dung này được đưa vào luật, mà như dự thảo là thành một chương riêng.

Vấn đề là các nội dung mà dự thảo quy định phải công khai và người lao động được tham gia ý kiến, được quyết định, kiểm tra và giám sát lại chưa phản ánh đúng với quản trị doanh nghiệp hiện tại.

“Sẽ rất khó triển khai trong thực tiễn việc người lao động được bàn, được tham gia, được biết, công khai, minh bạch về thang lương, bảng lương. Bởi mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi công ty có hình thức, nguyên tắc quản trị khác nhau” - ĐB Chinh nói.

Vị phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng nếu chỉ áp dụng chung quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở với doanh nghiệp trong một chương thì sẽ không đầy đủ, khó thực hiện, dễ dẫn tới hình thức. Do đó cần tính toán, cân nhắc và quy định cụ thể phạm vi điều chỉnh đối với quy định rất mới này.

Cũng như vậy, ĐB Lê Trường Lưu (Thừa Thiên-Huế) bày tỏ băn khoăn khi đặt câu hỏi rồi tự trả lời: “Liệu có thực hiện được dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp? Rất ít, thậm chí gần như không có doanh nghiệp nào công khai kết quả sản xuất, kinh doanh, chuyện lương, thưởng. Nếu đưa vào luật thì sau này cơ chế kiểm tra, giám sát sẽ thực hiện ra sao?”.

Với đánh giá như vậy, ông Lưu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, hạn chế những nội dung không cần thiết và mang tính hình thức.

Dù băn khoăn về quy định mới dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp song hầu hết ý kiến đều nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường các thiết chế dân chủ, đặc biệt là đề cao vai trò của MTTQ cũng như các tổ chức chính trị - xã hội, công đoàn.

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) khẳng định các thiết chế này có vai trò quan trọng trong thực thi dân chủ cơ sở, là tổ chức để nhân dân thực hiện dân biết, dân làm, dân kiểm tra và cả dân thụ hưởng - nội dung được bổ sung, phát triển tại Đại hội XIII của Đảng hai năm trước.

ĐB Thường cũng kiến nghị bổ sung thêm điều khoản quy định rõ trách nhiệm giải trình, tiếp thu của người sử dụng lao động với các kiến nghị của người lao động. Đồng thời cần quy định việc kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu để hạn chế tình trạng dân chủ hình thức.

Truyền hình trực tiếp Quốc hội thảo luận về kinh tế - xã hội

Hôm nay (1-6), các ĐBQH họp phiên toàn thể, thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình những tháng đầu năm 2022.

Cũng trong ngày làm việc, QH sẽ thảo luận về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 42 năm 2017 của QH khóa XIV về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất kéo dài áp dụng nghị quyết này.

Như thường lệ, các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu. Phiên thảo luận kinh tế - xã hội này sẽ được VTV1 truyền hình trực tiếp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm