Những năm gần đây, do địa thế thuận lợi trên bến dưới thuyền, đất đai còn rẻ nên khu vực tổ dân cư số 3, khóm 8, phường 7, TP Cà Mau được nhiều doanh nghiệp (DN) chọn mở nhà xưởng.
Sự xuất hiện của các DN góp phần phát triển kinh tế địa phương nhưng cũng làm xáo trộn sinh hoạt thường ngày trong thôn xóm.
Doanh nghiệp lấy đường làm xưởng
Từ gần 10 năm trước, DN vật liệu xây dựng Thanh Sơn đã về đây mua đất, xây cất nhà xưởng chồng lên đường lộ công cộng sát sông Gành Hào. Con đường này có từ thời Pháp, được người dân sử dụng làm đường đi chính trong khóm từ đó đến nay. Khi dân phản ứng, DN đã đắp đất làm con đường nhỏ ngang qua khu nhà xưởng để dân đi lại tự do, không rào chắn.
Đến năm 2014, một DN khác là chành xe Tỷ Phúc cũng đến làm nhà xưởng ngay trên đường đi. Thời gian đầu, ông Khương Tỷ Sợi, chủ DN chành xe Tỷ Phúc, mở rào để dân qua lại nhưng hai tháng nay ông đã đóng cửa khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.
Bà Dư Thị Kim Cúc, người dân ở gần vật liệu Thanh Sơn, phản ánh: “Lúc trước, khi vật liệu Thanh Sơn chưa làm đường dân đi, chúng tôi muốn qua lại với xóm trong phải chèo xuồng. Ở TP mà phải đi lại bằng xuồng chèo thì rõ là quá khổ. Sau khi Thanh Sơn tạo điều kiện thì lại xuất hiện DN chành xe Tỷ Phúc cũng làm như vậy”.
Ông Nguyễn Trường Chiến, tổ trưởng tổ dân cư số 3, khóm 8, phường 7, TP Cà Mau, cũng cho hay: “Dân đã phản ánh lên phường trong các cuộc tiếp xúc cử tri nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. DN về địa phương ai cũng mừng, vì họ sẽ đem lại lợi ích này khác cho địa phương. Nhưng chúng tôi cần họ tôn trọng người dân, tôn trọng lộ công cộng. Giờ đến việc đi lại đám tiệc cũng ngày càng khó khăn hơn, tình làng nghĩa xóm phai nhạt vì bị chia cắt”.
Ông Huỳnh Tấn Hoàng, hộ dân ở giữa hai DN chiếm lộ công cộng cũng khó chịu về chuyện này, bảo: “Tôi ở TP mà lại không có đường vô nhà. Tôi đề nghị chành Tỷ Phúc phải trả lại lộ cho dân”.
Đường lộ cũ đã bị chành xe Tỷ Phúc chiếm và chắn rào ngang (ảnh trái) nên ông Hoàng phải đi nhờ đường vườn người khác (ảnh phải). Ảnh: TRẦN VŨ
Dân phải tạo lối đi riêng
Trao đổi với chúng tôi, ông Sợi thừa nhận có chiếm đường xây nhà xưởng. Tuy nhiên, khi ông về đây mở xưởng, DN Thanh Sơn đã chiếm đường từ trước. Vì đường cũ hư hỏng, bùn lầy, xuống cấp lâu năm nên ông đã bỏ ra gần 500 triệu đồng xây lại đường lớn đi ngang sân xưởng, nay trở thành đường chính của hầu hết người dân. Chỉ còn ba hộ ở phía trong do thường về nhà quá khuya, ông không thể đợi để mở cổng rào cho đi được.
“Hơn nữa, gần đây trong xưởng có mất trộm nên buộc lòng tôi phải đóng rào. Tôi thừa nhận có chiếm đường nhưng hy vọng mọi người thấy thiện chí của tôi. Đối với ba hộ dân kia, tôi đã trao đổi với địa phương, sẽ hỗ trợ làm đường riêng, mở thẳng ra đường lớn cho họ” - ông Sợi nói.
Thực tế, việc DN lấy đường làm xưởng đã khiến rất nhiều hộ dân ở đây khó khăn trong đi lại dù DN đã bỏ ra nhiều tiền để làm con đường mới đẹp hơn. Hiện gần chục hộ dân ở khu vực từ vật liệu Thanh Sơn trở về hướng Hòa Thành, Hòa Tân phải tự tạo đường đi riêng, đất đai manh mún, xóm làng chia cắt.
Người dân trong xóm chỉ còn hy vọng vào sự tự giác của DN và sự cương quyết xử lý của chính quyền địa phương, xóa bỏ sớm những việc làm thiếu tôn trọng pháp luật.
Phường: Phải trả lại đường đi cũ cho dân! Trước bức xúc của người dân, ông Phan Bảo Dương, Phó Chủ tịch UBND phường 7, khẳng định: “Chành Tỷ Phúc có bỏ tiền làm đường cho dân nhưng quan điểm của phường là ông Sợi phải trả lại con đường công cộng cũ. Chúng tôi đã xử phạt DN này 4 triệu đồng vì hành vi chiếm đường công cộng và buộc ông Sợi phục hồi hiện trạng. Tuy nhiên, ông không thực hiện và phường đang chuẩn bị kế hoạch cưỡng chế”. |