Nhân đọc loạt bài nói về lãnh đạo sở, quận, cán bộ, viên chức… rất kém trong sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) (Pháp Luật TP.HCM ngày 14, 15-7), tôi muốn bàn thêm một số khía cạnh về vấn đề này, chủ yếu là nguyên nhân tồn tại tình trạng yếu kém và cách khắc phục...
Những câu chuyện thật như đùa
Tôi gặp trường hợp một vị giám đốc sở của một thành phố nọ sau khi khởi động máy vi tính của mình không được liền gọi cho một nhân viên cấp dưới đến xem. Nghe “kết luận” là máy bị virus tấn công không thể khởi động được, cần phải cài đặt lại hệ điều hành, vị giám đốc than thở: “Mình đoán chắc là hôm qua vì thằng T. vào phòng nên mang cả virus vào. Vừa xuất viện thì phải kiêng cữ chứ, cái loại virus cúm ấy nó lây lan kinh khủng lắm…”!
Câu chuyện thứ hai: Là một giảng viên dạy cao cấp lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo quản lý, thay vì phải in tài liệu gửi cho học viên, để tiết kiệm và tiện lợi tôi thường yêu cầu học viên cung cấp địa chỉ email để gửi vào cho từng người. Thực tế cho thấy trên 45% cán bộ không có (hoặc viết sai) địa chỉ email (nếu có chỉ là do cơ quan, đơn vị lập và cung cấp cho họ mà họ không hề sử dụng, do đó viết sai hoặc không nhớ email là điều dễ hiểu). Không ít cán bộ “thật thà” bảo rằng thôi thầy làm ơn gửi bản giấy cho… nó nhanh. Buồn cười hơn, có cán bộ hồn nhiên rằng: “Thầy thông cảm, địa chỉ email em để quên ở nhà rồi”…
Chủ yếu để giải trí (!?)
Cũng từ thực tế giảng dạy, tôi thấy hiện trạng yếu kém về CNTT, không nhận thức được tầm quan trọng của CNTT trong công tác lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nói chung (nhất là cán bộ lớn tuổi), của đội ngũ lãnh đạo quản lý nói riêng là rất đáng báo động. Cạnh đó, tôi thấy năng lực tìm kiếm thông tin trên Internet của cán bộ lãnh đạo còn kém... Nhiều cán bộ mặc dù “biết” sử dụng CNTT nhưng kiến thức, năng lực, kỹ năng về tìm kiếm và phân loại thư mục cần thiết cho công tác lãnh đạo quản lý rất yếu kém, thậm chí là số không.
Ngoài ra các thao tác về máy tính, năng lực xử lý các thông tin, đặc biệt là kỹ năng về mạng của đa số cán bộ rất hạn chế. Do đó phần lớn cán bộ, công chức thường sử dụng những kênh thông tin truyền thống và kinh nghiệm cá nhân trong quản lý và sử dụng máy tính như là công cụ để… giải trí. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý, điều hành cũng như công cuộc cải cách hành chính, đưa đất nước phát triển như báo đã nêu…
Đào tạo mới, đào tạo lại…
Theo tôi, nếu quyết tâm chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng lãnh đạo quản lý “mù công nghệ” như hiện nay. Để làm được điều đó, theo chúng tôi cần:
1. Tăng cường cơ chế sát hạch. Đưa CNTT vào trong phạm vi sát hạch và xem đó là học phần bắt buộc của hệ thống trường Đảng (trường chính trị-hành chính). Trọng điểm là trình độ tri thức, kiến thức về CNTT; năng lực tư duy hệ thống CNTT; năng lực tiếp thu những kiến thức mới về quản lý từ CNTT; năng lực kết hợp và vận dụng CNTT vào công tác chuyên môn và công tác lãnh đạo quản lý. Bên cạnh đó là các năng lực sáng tạo và vận dụng các dự án về CNTT; năng lực, kỹ năng luận chứng các phương án giải quyết bằng CNTT; năng lực vận dụng công nghệ thông tin vào triển khai các buổi hội thảo, tọa đàm, họp trực tuyến…
2. Tăng cường công tác đào tạo. Chú trọng công tác đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng về lĩnh vực CNTT cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đa dạng hóa trong các lớp bồi dưỡng về CNTT (lớp “mù công nghệ”, lớp phổ cập, lớp nâng cao, lớp chuyên gia…); đề cao và khuyến khích tinh thần tự học, học tập suốt đời cho cán bộ, nhất là lĩnh vực CNTT.
3. Kiên quyết xử lý nghiêm khắc đối với những cán bộ lãnh đạo, quản lý “làm biếng”, “không chịu sử dụng”, không chịu tu bổ nâng cao kiến thức về CNTT (và có chế tài đối với những cán bộ sử dụng máy vi tính làm công cụ để chơi điện tử). Cần có các yêu cầu về trình độ CNTT trong công tác đánh giá cán bộ, tuyển dụng cán bộ, đề bạt cán bộ.
4. Từng bước tiến hành điện tử hóa, công nghệ hóa. Đối với những văn bản, thư mời, lịch công tác cơ quan (nếu không có gì bí mật) thì nên chuyển qua kênh “điện tử hóa”, dần tập thói quen sử dụng email nói riêng, Internet nói chung trong giao dịch công. Đối với những cuộc họp, hội thảo, triển khai công tác... cần từng bước “trực tuyến hóa”, vừa giảm bớt những gánh nặng tài chính không đáng có, vừa xây dựng ý thức sử dụng, tiếp cận CNTT trong công tác quản lý xã hội cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý.
TS PHẠM ĐI, Học viện Chính trị Quốc gia TP.HCM
Cải cách để đưa xã hội tiến bộ Trong thời kỳ công nghệ số hiện nay, người dân chúng tôi không thể chấp nhận tình trạng cán bộ mù CNTT. Bởi lẽ hầu hết các thao tác quản lý đã cần đến công nghệ này, nếu cán bộ yếu kém thì sẽ làm cho bộ máy trì trệ, việc giải quyết các công việc của công dân chậm chạp, thiếu chính xác, thiếu khoa học. Còn nhớ cách đây không lâu, khi đẩy mạnh CNTT, quận 1 (TP.HCM) đã làm được hồ sơ điện tử giúp người dân giải quyết các hồ sơ một cách chính xác, tránh nhiều cửa, nhiều dấu. Nếu nơi nào cũng làm được như vậy thì hay biết mấy. Ngoài ra chưa kể, việc áp dụng CNTT còn làm cho hệ thống quản lý minh bạch, chống việc tham nhũng… Do vậy không có lý do gì không thực hiện. Phải làm để loại trừ những con sâu làm rầu nồi canh. Tôi rất mong cơ quan chức năng, các vị cán bộ phải làm sao đi đầu trong lĩnh vực này để người dân được nhờ! Thú thực, nếu chú tâm một chút thì các cán bộ có đầu óc tinh nhuệ của chúng ta sẽ không bao giờ bị lạc hậu cả… NGUYỄN VĂN KHOA, phòng Pháp chế Công ty TNHH Phương Đông (TP.HCM) |