Lịch sử ghi nhận, năm 1558, từ xứ Thanh, Lương Văn Chánh tòng quân theo chúa Nguyễn xác lập vùng định cư sản xuất mới ở phía Nam, nhất là vùng đất Phú Yên và góp công sức cùng vua Lê, chúa Trịnh ổn định tình hình phía Bắc. Đóng góp của ông được các đời chúa Nguyễn và nhà Nguyễn ghi nhận bằng những sắc phong (13 sắc phong và một lệnh chỉ hiện có) với đầy đủ công lao, xứng đáng là bậc khai quốc, là tiền nhân mở đất, khai canh cho hậu thế.
Đối với vùng đất Phú Yên, nhân đân tôn vinh ông là Thành hoàng, là vị thần có công đầu trong việc giúp dân sản xuất, ổn định đời sống.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng đông đảo người dân tham dự lễ dâng hương.
Đối với đất nước, Phù quận công Lương Văn Chánh là người bảo vệ giang sơn, mở mang bờ cõi, xác lập vùng đất mới cùng với các chúa Nguyễn định đô, xây dựng cát cứ, củng cố xứ Đàng Trong yên bình, giàu có. Nhờ công lao xây dựng của Lương Văn Chánh, bằng những thành tựu thực tế đáng kể trên vùng đất Phú Yên, một trang sử mới được viết nên đơn vị hành chính chính thức được thành lập, vùng đất hoang hóa ngày nào bắt đầu đã có tên gọi, Phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân, và Tuy Hòa từ năm 1611. Trải qua trên 400 năm và bao thế hệ người dân Phú Yên luôn giữ vững đạo hiếu “ăn quả nhớ người trồng cây”, “uống nước nhớ người khai nguồn”, tôn kính bậc tiền nhân mở đất lập nên tỉnh Phú Yên trù phú yên bình.
Mộ và đền thờ Lương Văn Chánh đã được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia từ năm 1996. Vào những ngày này hằng năm (từ 11 đến 14-3), chính quyền và người dân Phú Yên mở lễ hội dâng hương và tổ chức các trò chơi dân gian như ca chòi, cờ tướng, kéo co, cắm trại… nhằm ôn lại văn hóa truyền thống của quê hương đất nước.