Thông tin thuế môn bài sẽ tăng gấp ba lần (báo điện tử Pháp Luật TP.HCM, ngày 11-3) khiến nhiều người kinh doanh phản ứng. Bởi các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh đang phải chịu nhiều áp lực. Chi phí liên quan đến thuế, đặc biệt là nộp thuế điện tử cũng tăng trong năm qua. Nay Bộ Tài chính lại dự kiến tăng thuế môn bài từ đầu năm 2017.
Tăng thuế đẩy nhanh... giải thể
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2015 có gần 9.500 DN giải thể và “phần lớn là những DN có quy mô vốn đăng ký nhỏ, dưới 10 tỉ đồng, chiếm gần 94% trên tổng số DN giải thể”. Đã vậy còn có trên 71.000 DN ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động do gặp khó khăn, trong đó số DN có vốn dưới 10 tỉ đồng cũng chiếm đến 93,5%.
Thống kê này đã cho thấy nhóm DN có vốn dưới 10 tỉ đồng chịu rất nhiều khó khăn, đã phải giải thể với tỉ lệ cao. Nhóm DN này hiện chịu thuế môn bài ở ba mức. Vốn đăng ký dưới 2 tỉ đồng thì nộp thuế môn bài 1 triệu đồng/năm, vốn 2-5 tỉ đồng thì nộp thuế môn bài 1,5 triệu đồng/năm, vốn đăng ký 5-10 tỉ đồng thì nộp thuế môn bài 2 triệu đồng/năm.
Sang năm sau, các DN này đều nộp thuế 3 triệu đồng/năm, tăng 50%-300% so với mức thuế môn bài hiện tại, sẽ khiến nhóm DN này càng khó khăn và càng dễ... giải thể hơn! “Suốt ngày bảo ủng hộ khởi động nhưng lại tăng chi phí khởi nghiệp” - bạn đọc tên Dung… bày tỏ bức xúc trên báo điện tử Pháp Luật TP.HCM.
Nhóm DN có vốn lớn cũng bị tăng thuế môn bài, từ mức 3 triệu đồng/năm lên 5 triệu đồng/năm (vốn 10-100 tỉ đồng) và 10 triệu đồng/năm (vốn trên 100 tỉ đồng). Tuy nhiên, từ số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, chỉ khoảng 100 DN trên 100 tỉ đồng giải thể và khoảng 450 DN trong nhóm “đại gia” này gặp khó khăn phải ngừng hoạt động, có thể thấy gánh nặng về thuế môn bài đối với nhóm này không nặng nề như nhóm DN dưới 10 tỉ đồng.
Các hộ kinh doanh phải chịu nhiều áp lực khi bị tăng thuế môn bài. Ảnh: HTD
Sao không “dưỡng thu”?
Hiện nay, hộ cá thể kinh doanh nộp thuế môn bài theo sáu mức: 1.000.000 đồng, 750.000 đồng, 500.000 đồng, 300.000 đồng, 100.000 đồng, 50.000 đồng. Theo dự thảo của Bộ Tài chính, hộ kinh doanh có doanh thu trên 300 triệu đồng/năm nộp thuế 1 triệu đồng; doanh thu từ 100 đến 300 triệu đồng/năm nộp thuế 300.000 đồng.
Theo dự thảo của Bộ Tài chính, cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh, tiểu thương...) có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không chịu thuế môn bài.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn, cho rằng nên bỏ hẳn thuế môn bài, cũng không chuyển đổi tên gọi thành lệ phí môn bài, ít nhất là áp dụng đối với cá nhân kinh doanh. Cá nhân kinh doanh không có hóa đơn, chứng từ để xác định chính xác đầu vào, chi phí, đầu ra. Vì vậy các loại thuế đang thu đối với họ như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thu trên doanh số cũng đã là gánh nặng với họ vì doanh số cao chưa hẳn là họ có lãi. Thu được 300.000 đồng đến 1 triệu đồng/hộ kinh doanh mỗi năm giúp ngân sách có thêm vài trăm tỉ đồng, thực sự là không đáng kể trong ngân sách mà hộ kinh doanh cảm thấy rất nặng nề. “Bớt đi một chút mà tạo động lực cho các hộ kinh doanh tốt hơn, “dưỡng thu” tốt hơn thì có thể tăng thu ngân sách từ các khoản thuế khác”.
Một số đại biểu Quốc hội, các tỉnh/thành cũng từng góp ý về việc xóa bỏ thuế môn bài. Tuy nhiên, luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho biết: Ít nhất cho đến năm 2020, khoản thu này vẫn còn. Bởi trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược cải cách hệ thống thuế 2011-2020 (phê duyệt năm 2011) có định hướng “chuyển thuế môn bài thành một khoản thu lệ phí quản lý hoạt động kinh doanh hằng năm”. Phù hợp với chiến lược này, Luật Phí và lệ phí được Quốc hội thông qua vào tháng 11-2015 đã xóa bỏ thuế môn bài và thay bằng lệ phí môn bài. Cụ thể, trong phụ lục về danh mục lệ phí ban hành kèm luật này có ghi rõ các khoản lệ phí liên quan đến sản xuất, kinh doanh gồm: lệ phí đăng ký DN, lệ phí đăng ký kinh doanh, lệ phí môn bài... Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhiều lần đưa ra quan điểm đây là khoản thu ổn định, thường xuyên nên không thể bỏ. “Như vậy khả năng bỏ khoản thu môn bài là không thể. Vấn đề là cộng đồng DN có thể góp ý về mức thu nên là bao nhiêu” - luật sư Trần Xoa nhận định.
Chi phí nộp thuế điện tử tăng nhiều hơn Mặc dù cơ quan thuế tuyên truyền về lợi ích của nộp thuế điện tử nhưng thuận lợi thì chưa thấy, đã thấy rõ chi phí nộp thuế điện tử tăng nhiều hơn. Công ty của tôi mua chữ ký số hết 4 triệu đồng, phí duy trì chữ ký số hằng năm là 1 triệu đồng. Trong khi đó kế toán hiện tại của tôi khá rành về kỹ thuật, phần mềm nhưng khi sự cố nộp thuế xảy ra thì cũng bó tay. Tôi phải trả thêm 1 triệu đồng/tháng để thuê kỹ thuật hỗ trợ việc cập nhật phần mềm, bảo mật dữ liệu. Nay đang nộp thuế môn bài 1,5 triệu đồng, năm sau lên đến 3 triệu đồng. Kêu gọi DN sử dụng các công cụ hiện đại hóa thì ngành thuế cần tinh giản bộ máy, tiết kiệm chi phí, sao lại bắt DN nộp thêm thuế? Ông KL, Giám đốc một công ty ở quận 3, TP.HCM |