Trong khi đó nhiều người nhận định vật trên chỉ là ấn tín "dỏm", bằng kim loại chứ không phải bằng vàng, được bán ngoài thị trường chỉ mấy trăm ngàn đồng.
Chiếc ấn tín trước khi người dân giao nộp cho Bảo tàng Nghệ An và chính quyền địa phương.
Vật trên đang được niêm phong trong hộp giấy, xung quanh đóng 14 con dấu của UBND xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc) và khoảng 10 dấu điểm chỉ ngón tay.
Theo vợ chồng ông Trương Văn Sửu (55 tuổi, trú xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), ngày 26-11, vợ chồng ông Sửu đi đào đất trên khu vực rừng xã Nghi Lâm thì bất ngờ phát hiện một vật lạ bằng kim loại.
Vợ chồng ông Sửu đưa vật thể lạ trên về nhà cất giữ. Rất đông người dân đến xem và đặt nghi vấn đây là ấn tín cổ. Quan sát bên ngoài, vật thể này bằng kim loại, màu đen, nặng 1,6 kg, có chín đầu rồng, mặt trước và mặt dưới có dòng chữ Hán.
Chiếc ấn tín đang được niêm phong với hàng chục dấu điểm chỉ và con dấu chính quyền địa phương.
Chiều 1-12, ông Nguyễn Đức Kiếm và ông Phan Văn Hùng (Giám đốc, Phó Giám đốc Bảo tàng Nghệ An) cho biết: "Khi tiếp nhận thông tin, công an huyện và chính quyền xã cũng mất mấy ngày vận động người dân giao nộp vật trên, thực hiện theo Luật Di sản. Chúng tôi rất cảm kích khi người dân giao nộp lại di vật đó. Cho đến 21 giờ ngày 30-11, chúng tôi mới đưa được vật trên về đến Bảo tàng Nghệ An".
Ông Hùng cho biết thêm chiều 1-12, Bảo tàng Nghệ An đang làm báo cáo sự việc gửi lên Sở VH-TT&DL tỉnh để báo cáo ra Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL).
Chiếc ấn tín đang được cất giữ cẩn thận trong kho ở Bảo tàng Nghệ An, sau nhiều lớp cửa bảo vệ.
"Theo cảm nhận, cảm quan bằng nghề nghiệp của tôi thì vật trên là đồ phong thủy giả cổ. Chúng tôi đang đề xuất, xin ý kiến của Sở VH-TT&DL tỉnh Nghệ An hai phương án xử lý.
Phương án 1, để nguyên niêm phong trả về cho chủ phát hiện hiện vật, bởi đây là đồ phong thủy giả cổ, không có giá trị, vị trí trong bảo tàng.
Phương án 2 là thành lập hội đồng giám định có đầy đủ thành phần để giám định xem vật trên có đúng đồ cổ hay không. Nhưng việc thành lập hội đồng giám định thì UBNĐ tỉnh Nghệ An phải ra quyết định rồi ra Hà Nội mời Hội Di sản, Hội Cổ vật Quốc gia, chuyên gia đầu ngành về, rất tốn kém..." - ông Hùng cho biết.