Phim Vầng trăng thơ ấu nói về tuổi thơ của Bác Hồ tại Huế được thực hiện bởi đạo diễn Hồ Ngọc Xum và Công ty cổ phần phim Giải phóng sản xuất nhân kỷ niệm 134 năm ngày sinh Bác Hồ (19-5-1890 – 19-5-2024) và 113 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2024).
Ngay từ lúc công bố, Vầng trăng thơ ấu đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả dành cho bộ phim.
PLO đã có buổi trò chuyện với đạo diễn Hồ Ngọc Xum để nghe ông chia sẻ về quá trình thực hiện cũng như những mong mỏi về bộ phim nói về tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Không phải phim tiểu sử về Bác Hồ
. Phóng viên: Những ngày này, Vầng trăng thơ ấu được khán giả quan tâm, nhìn lại quãng thời gian thực hiện phim hẳn ông có nhiều điều muốn chia sẻ?
+ Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Đầu tiên, tôi phải nói rằng Vầng trăng thơ ấu là một dự án điện ảnh dành cho thiếu nhi chứ không phải là phim tiểu sử hay tài liệu lịch sử nói về Bác Hồ. Vì vậy sẽ có hư cấu để giúp phim hấp dẫn, dễ xem hơn đối với khán giả, đặc biệt là các em học sinh.
Phim được quay ở Nghệ An, Huế, Quảng Bình…Trong phim chúng tôi thực hiện thời thơ ấu của Bác Hồ lúc 3 đến 6 tuổi ở quê ngoại Nghệ An và 6 đến 11 tuổi tại Huế.
. Anh kể câu chuyện tuổi thơ của Bác ra sao?
+ Phim có thời lượng 90 phút nhưng chúng tôi đem vào phim những câu chuyện về tuổi thơ của Bác như câu chuyện Bác đi câu cá cùng bạn...Ngoài ra còn có biến cố lớn nhất cuộc đời của Bác Hồ tại Huế. Đó là khi cha không có nhà mẹ của Bác, bà Hoàng Thị Loan qua đời Bác Hồ phải một một mình lo tang cho mẹ, xin sữa nuôi em.... Tất nhiên, những câu chuyện đó sẽ có thêm những hư cấu.
Từ những biến cố của mình cũng như những điều được thấy tại Huế đã hình thành nên nhân cách của một vị lãnh tụ sau này.
Chọn vai Bác Hồ từ 300 em học sinh tại Nghệ An
. Nói về Vầng trăng thơ ấu, phim này ông thực hiện trong thời gian bao lâu? Và diễn viên trong phim được tuyển chọn ra sao?
+ Phim bắt đầu được thực hiện trong 6 tháng vừa đi khảo sát vừa thực hiện quay phim (tháng 6 đến tháng 12-2023).
Về diễn viên, đầu tiên phải chọn được hai diễn viên nhí cho hai nhân vật Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ) và Nguyễn Sinh Khiêm.
Để chọn được hai nhân vật này, chúng tôi phải tuyển chọn từ 300 em học sinh tại Nghệ An sau đó lọc lại còn 10 em và cuối cùng chọn được hai diễn viên nhí này.
Những nhân vật tại Huế cũng được chọn lựa như vậy. Những diễn viên nhí thì chúng tôi cũng phải chọn lựa từ mấy hàng trăm em học sinh ở các trường tại Huế, còn nhân vật người lớn thì được chọn từ những đoàn kịch hoặc những đoàn diễn viên chuyên nghiệp.
. Điều khán giả quan tâm nhất trong phim chính là diễn viên nhí đóng vai Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ lúc nhỏ). Diễn viên vào vai này được lựa chọn ra sao?
+ Đầu tiên, tôi phải chọn được diễn viên nói tiếng Nghệ An, cũng như khả năng thoại lời để có thể thu tiếng trực tiếp, về vóc dáng phù hợp…Bên cạnh đó, việc lựa còn căn cứ về lý lịch gia đình.
Và điều tiên quyết là em có sự dạn dĩ, có một số năng khiếu để nhập vai tốt hơn. Cuối cùng, bé Hữu Đại đáp ứng được những tiêu chí đó.
. Phim không có những "ngôi sao phòng vé" hay diễn viên tên tuổi tham gia để phim được chú ý hơn. Ông có suy nghĩ về vấn đề này?
+ Tôi không suy nghĩ gì nhiều về vấn đề này vì điều đầu tiên tôi nghĩ là làm bộ phim cho thiếu nhi nên cũng không quá quan trọng việc chọn diễn viên nổi tiếng hay không.
Tôi cho rằng một bộ phim hay không cần phải có "vua phòng vé" hay diễn viên tên tuổi mà nó nằm ở cốt truyện, kịch bản tốt cũng như diễn xuất của diễn viên. Nếu một kịch bản không hay thì dù một ông vua phòng vé hay một diễn viên tên tuổi cũng không thể cứu nỗi.
. Ngoài nhân vật, thì bối cảnh phim lịch sử cũng rất được chú ý. Ông làm thế nào để đảm bảo tính đúng đắn của bối cảnh lịch sử tại giai đoạn đó?
+ Thực hiện bộ phim này, chúng tôi tận dụng những bối cảnh sẵn có gắn liền với Bác Hồ mà hiện nay vẫn được bảo tồn, lưu giữ.
Như ngôi nhà ở quê ngoại Bác Hồ làng Hoàng Trù, chúng tôi quay nhưng phải dọn bớt đồ ra vì bây giờ nó đã được bố trí thêm những đồ vật, đèn điện không phù hợp với thời điểm lịch sử.
Còn bối cảnh ở Huế, chúng tôi phải vào làng cổ Phước Tích (Huế) để dựng lại những ngôi chợ quê hay tái hiện cảnh đông người trước cổng thành Huế.
Điện Thái Hoà (nơi vua ngự), điện Kiến Trung (nơi vua ở), cả hai điện này đều đang tu bổ nên cũng không quay được. Còn Duyệt Thị Đường nơi vua xem hát, múa thì chúng tôi vẫn quay được.
Hay nhà ở đường Mai Thúc Loan nơi gia đình Bác Hồ ở đã được làm mới xung quanh đó là nhà cao tầng, biệt thự nên không thể quay do đó chúng tôi chuyển sang quay ngôi nhà ở làng Dương Nổ, ngôi nhà ở đây tương tự như ngôi nhà cũ.
. Nói về việc làm phim lịch sử thì sẽ có rất nhiều vấn đề gây tranh cãi. Vậy ông chọn lựa hay thể hiện những yếu tố, cột mốc lịch sử trong phim ra sao?
+ Tôi biết rằng khi thực hiện thể loại phim này rất cực và sẽ bị so sánh về bối cảnh, quần áo, ngôn ngữ….
Về những chi tiết lịch sử, tôi thực hiện dựa trên những chuyện kể, tư liệu đảm bảo chính xác để hạn chế được tranh cãi.
. Vầng trăng thơ ấu bị dời lịch chiếu vì phải chỉnh sửa, ông có suy nghĩ gì không?
+ Lịch chiếu phim như thông báo cũng chỉ là dự kiến, còn chính xác là do nhà đầu tư quyết định. Riêng cá nhân tôi cảm thấy vui và hạnh phúc vì đã làm được việc mình yêu thích.
. Điều ông muốn khán giả cảm nhận được khi xem Vầng trăng thơ ấu là gì?
+ Một đứa trẻ sinh ra đã trở thành một thiên tài hay trở thành ngay một lãnh tụ nhưng với Bác ngay từ lúc nhỏ đã có những suy nghĩ rất khác.
Như câu chuyện Bác hỏi anh trai đi Huế làm gì? Nếu anh trai đáp đến Huế xem kinh thành đẹp, thì với Bác việc đến Huế để xem kinh thành vì sao vẫn có người nghèo, ăn xin...
Những vấn đề xung quanh luôn được Bác quan tâm và có sự tác động rất nhiều đến Bác.
Như câu kết trong phim có nói: "Cho dù thời gian sống ở Huế rất ngắn ngủi nhưng những hình ảnh, chi tiết đó đã đập vào mắt của cậu bé Nguyễn Sinh Cung để từ đó hình thành nên nhân cách và sự hình thành đó lớn dần theo tình nhân ái của mẹ, sự giáo dưỡng nghiêm khắc của cha để trở thành nhân cách của một nhà văn hoá lớn sau này".
. Xin cảm ơn ông!