Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM vừa chính thức có tờ trình gửi đến UBND TP.HCM về việc đặt mới, đổi tên cho 47 tuyến đường trên địa bàn TP.HCM.
Những con đường mang tên người yêu nước
Trong đợt đặt tên, đổi tên lần này có nhiều nhân vật lịch sử, nghệ sĩ, trí thức: Nhà thơ Tố Hữu (Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng), An Tư công chúa (em gái út vua Trần Nhân Tông), tri huyện Lưu Đình Lễ (tri huyện Bình Long đầu tiên, người quy dân lập ấp, lập làng Tân Thới Nhì), văn tướng Tinh Thiều (tướng văn thời Lý Nam Đế), danh sĩ Đặng Đình Tướng; một số nhà yêu nước cận đại: Nhà yêu nước Phạm Văn Ngôn, Đặng Bỉnh Thành…
Đáng chú ý trong đó là GS Trần Đức Thảo và GS Trần Văn Khê đều lần lượt được đặt tên đường ở quận 9 và quận Bình Thạnh. Cụ thể, tên GS Trần Đức Thảo sẽ được đặt cho tên đường thuộc khu ký túc xá ĐH Văn hóa (đoạn từ Đỗ Xuân Hợp đến cuối, chiều dài 356 m); tên GS Trần Văn Khê sẽ được đặt ở đoạn đường từ Trường Sa đến Nguyễn Cửu Vân (dài 379,9 m), đường này nằm giữa khu chung cư B1 và B2 Trường Sa và có giao lộ cùng Phan Văn Hân.
Vài nét về GS Trần Đức Thảo
Cuộc đời của GS Trần Đức Thảo (1917-1993) có nhiều đóng góp cho nền tảng triết học hiện đại. Ông là người duy nhất được xem là nhà triết học tại Việt Nam khi được đào tạo chỉn chu, bài bản về triết học, là người nhận học bổng của chính phủ toàn quyền Đông Dương sang Paris du học từ những năm 1936. Con đường đến với triết học của ông rộng mở hơn khi là người Việt đầu tiên trúng tuyển thủ khoa thạc sĩ triết học và tiến gần với dòng chảy triết học thế giới khi là giáo sư tại ĐH Sorbonne (Paris) những năm 1938-1945.
Ông trở về Việt Bắc tham gia kháng Pháp vào năm 1952. Sau đó ông tiếp tục làm việc ở Ban Sử - Địa - Văn (sau này là Ủy ban Khoa học xã hội) và là giáo sư triết học, phó giám đốc ĐH Sư phạm, chủ nhiệm Khoa sử ĐH Tổng hợp Hà Nội.
Tuy nhiên, như nhiều trí thức giai đoạn đó, những năm 1956-1957 ông bị cho là dính líu phong trào Nhân văn giai phẩm khi ông công bố những bài báo về tự do, dân chủ. Sau sự kiện này, ông bị chuyển về làm chuyên viên Nhà xuất bản Sự thật. Sau năm 1975, ông vào sống ở quận Thủ Đức (TP.HCM), một phần bộ sách của ông mang tên Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người (1989) được in. Năm 1991, ông sang Pháp chữa bệnh và tiếp tục để hoàn tất các công trình trước tác về triết học, nhất là bộ sách trên. ông đã mất tại Paris vào năm 1993. Sau đó ông được đem về an táng tại Hà Nội. Cho đến những năm 2000, một số tác phẩm và công trình nghiên cứu của ông mới chính thức trở lại với giới nghiên cứu, bạn đọc trong nước.
Con đường sẽ mang tên GS Trần Văn Khê ở quận Bình Thạnh nối đường Trường Sa và đường Nguyễn Cửu Vân, cắt ngang đường Phan Văn Hân. Ảnh: QUỲNH TRANG
GS Trần Văn Khê đã trở về Bình Thạnh
Số phận không thăng trầm như GS Trần Đức Thảo, đoạn cuối cuộc đời GS Trần Văn Khê (1921-2015) có những tháng năm nhiều ý nghĩa tại TP.HCM.
Sau 50 năm nghiên cứu, giảng dạy ở Pháp, năm 2006, ở tuổi 85, GS Trần Văn Khê đã trở về sinh sống, tiếp tục giảng dạy tại Việt Nam. Những ai yêu mến âm nhạc dân tộc, văn hóa Việt Nam sẽ khó quên căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh), nơi chín năm trời ông cùng đồng nghiệp, nhiều thế hệ học trò giữ ấm bằng những chương trình âm nhạc, ẩm thực, văn hóa… Năm năm sau khi GS Trần Văn Khê mất, TP.HCM mới bắt đầu trình ý kiến về việc đặt tên đường cho giáo sư. Và toàn bộ di sản giáo sư tặng lại TP vẫn chưa có một nhà lưu niệm, khu trưng bày hay bất cứ hoạt động nào để công chúng dễ tiếp cận.
Việc đặt tên đường cho hai vị GS Trần Văn Khê và GS Trần Đức Thảo là một bước đầu tiên, để từ đó nhiều di sản của trí thức được gợi mở để tiếp nối, truyền lại cho các thế hệ mai sau.
Không lãng quên triết gia duy nhất của Việt Nam cận hiện đại Việc đặt tên đường cho GS Trần Đức Thảo dẫu là một đoạn đường nhỏ, ngắn trong khuôn viên ký túc xá ĐH Văn hóa, là góp phần nhắc nhớ lại một số phận trí thức trải qua nhiều thăng trầm. Và hơn cả, đó là sự không lãng quên một người được xem là triết gia duy nhất của Việt Nam cận hiện đại. |