Mặc dù nhà thuộc diện nghèo trong làng nhưng cô tôi vẫn bắt các con phải đi vay bằng được mấy chục triệu đồng về để tổ chức lễ kỷ niệm. Chiều theo ý nguyện, các anh chị tôi phải vay nóng 35 triệu đồng của một nhà hàng xóm để làm tiệc cho cha mẹ. Tiền chụp ảnh, tiền làm cỗ tất tật trong khoản vay ấy vẫn chưa đủ. Anh chị tôi lại phải cào chỗ nọ, cấu chỗ kia mới lo toan chu tất buổi lễ ấy.
Sau lễ, vợ chồng cô tôi mãn nguyện, đẹp mặt với xóm giềng. Nhưng cô không biết phía sau đó, các anh chị tôi khi phải khổ sở gánh số tiền trả lãi hằng tháng tới gần triệu bạc. Đó là còn chưa biết đến bao lâu mới trả xong khoản gốc…
Chẳng riêng gì nhà cô tôi, mà ở làng, xã tôi và một số nơi khác tôi cũng thường gặp tình huống này. Nhiều cụ đã tổ chức đám cưới vàng, kim cương, bạc, đồng… “hoành tráng” như thế. Nhiều tiệc cưới kỷ niệm làm tới mấy chục, thậm chí cả trăm mâm cỗ để đãi khách, hệt như đám cưới của các đôi trẻ. Nhiều đôi già còn trang trí xe hoa, với váy cưới để du ngoạn các địa danh chụp ảnh rất tốn kém.
Tôi cho rằng việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày cưới của các cặp vợ chồng là không xấu, thậm chí nó còn tốt đẹp, mang nhiều ý nghĩa nữa là đằng khác. Điều cốt lõi là nó khiến những cặp vợ chồng già cảm thấy đáng sống, yêu đời hơn. Nó hun đúc thêm cho hạnh phúc của các cặp vợ chồng bền chặt, dài lâu, hướng họ sống lâu trăm tuổi… Tuy nhiên, làm cái tiệc to to một chút ở những nhà có kinh tế khá giả thì có thể chấp nhận được. Thế nhưng nhiều nhà kinh tế không có, các con thấy người khác tổ chức kỷ niệm ngày cưới cho bố mẹ người ta hoành tráng, to tát nên họ cũng ráng đi vay, đi mượn tiền bạc để làm cho “bằng chị bằng em”, kẻo người ta chê cười thì không nên một chút nào.
Theo tôi, mọi người nên tổ chức tiệc lễ theo khả năng của mình, nghĩa là kinh tế đến đâu làm đến đó, giản đơn với tiệc trầu nước hoặc một vài mâm cơm nội bộ con cháu gia đình chung vui là được. Việc cố chạy đua tổ chức linh đình để rước nợ vào thân thì cần tránh.