Mô hình đoàn tàu điện ngầm mới được mang về Việt Nam hiện nay có phần bên ngoài được sơn màu xanh da trời. Vỏ tàu được làm bằng nhôm và thép không gỉ, bên trong có hệ thống máy lạnh. Tàu có cửa sổ lớn cùng vách ngăn để phân chia khu vực hành khách đứng và ngồi. Logo của tuyến số 1 được gắn ở phía trước đầu tàu.
Trong giai đoạn 1, đoàn tàu có 3 toa với tổng chiều dài là 61,5 mét, mỗi toa có thểvận chuyển hơn 300 hành khách, với mật độ hành khách đứng tối đa là 8 hành khách/mét vuông. Mỗi bên thành của toa tàu có 4 bộ cửa cho hành khách lên xuống với lối đi rộng gần một mét.
Khi đưa vào vận hành, tiền vé tàu được thu từ cửa vào của nhà ga, vì thế trên tàu không có nhân viên phục vụ. Đoàn tàu được trang bị đầy đủ camera để lái tàu quan sát hoạt động lên xuống của hành khách nhằm xử lý kịp thời các tình huống. Trên tàu cũng được bố trí các móc nắm để hành khách đứng có thể bám vào để bảo đảm an toàn, ngoài ra còn có thiết bị hỗ trợ và chỗ ngồi cho người khuyết tật.
Hệ thống vận hành của đoàn tàu được nối với điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, khi có sự cố về điện, máy phát điện dự phòng sẽ cung cấp đủ điện cho đoàn tàu vận hành trong vòng 3 giờ để tàu về được đến ga an toàn.
Theo kế hoạch của Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, đầu tháng 3-2015 đoàn tàu mẫu sẽ mở cửa để người dân vào tham quan và góp ý kiến về kiểu dáng, màu sắc cho đoàn tàu trong 3 tháng. Sau đó, đơn vị này sẽ tổng hợp ý kiến, tiếp thu và đề nghị nhà sản xuất làm theo yêu cầu của phía Việt Nam.
Dự kiến, đoàn tàu điện ngầm đầu tiên sẽ được đối tác Nhật Bản bàn giao cho phía Việt Nam vào cuối năm 2016. Những năm tiếp theo, 16 đoàn tàu còn lại sẽ được bàn giao để khai thác tuyến metro số 1 vào năm 2020.
Việc mua sắm đầu máy, toa xe và các thiết bị cơ điện cho tuyến metro số 1 đã được Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM và Công ty Hitachi (Nhật Bản) ký kết hồi giữa tháng 6-2013, với tổng giá trị 37 tỉ yên Nhật (khoảng 370 triệu đô la Mỹ).
Theo hợp đồng được ký kết, Công ty Hitachi sẽ cung cấp các thiết bị gồm đầu máy, toa xe, hệ thống tín hiệu, hệ thống viễn thông, thông tin liên lạc, hệ thống cung cấp điện, hệ thống thu phí tự động và tiện ích trạm depot.
Đồng thời nhà thầu cũng thực hiện khảo sát thiết kế, sản xuất, thi công, cung ứng vật tư thiết bị, kiểm nghiệm, vận hành thử cho toàn bộ dự án. Sau khi hoàn thành, nhà thầu sẽ chịu trách nhiệm triển khai thêm công tác bảo dưỡng cho các hệ thống máy móc thiết bị trong vòng 5 năm sau khi bắt đầu vận hành, trong đó có việc cung cấp linh kiện thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng và đào tạo 400 nhân viên kỹ sư.
Hiện nay, tuyến metro số 1 đang thi công đồng loạt bao gồm phần đi trên cao dài 17,1 km từ ga Ba Son đến trạm depot Long Bình (nằm giáp với tỉnh Bình Dương). Còn đoạn đi ngầm cũng đang được thi công đoạn từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son. Theo kế hoạch đến năm 2020 sẽ đưa vào vận hành tuyến metro này.
Sau khi hoàn thành, với tốc độ chạy tàu tối đa là 80 km/giờ trong đường hầm và 110km/giờ trên cầu, thời gian đi từ Suối Tiên vào trung tâm thành phố mấtchưa tới 30phút.
Tuyến tàu điện ngầm số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km, trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km, đoạn đi trên cao dài 17,1 km. Toàn tuyến có 14 nhà ga gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 1,09 tỉ đô la Mỹ bằng vốn vay ODA và vốn ngân sách. Tuy nhiên, do một số hạng mục của dự án được điều chỉnh, cộng với sự biến động về giá đô la Mỹ nên tổng mức đầu tư của dự án hiện nay đã tăng gần gấpđôilên 2,07 tỉ đô la.