Ngày 25-8, trả lời Pháp luật TP.HCM, đại diện NXB Giáo dục Việt Nam khẳng định như trên.
Theo đại diện NXB Giáo dục, trong bài học Vượt qua nỗi sợ của sách Thực hành kĩ năng sống dành cho học sinh lớp 1 do TS Phan Quốc Việt chủ biên, phần câu chuyện minh hoạ sử dụng mẩu chuyện Bạn An dũng cảm (trang 77) trong đó có chi tiết học sinh đi qua thảm thuỷ tinh.
“Dẫu sao, đây cũng là một bài học đối với công tác biên tập nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng sách” – đại diện NXB Giáo dục khẳng định.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đã có văn bản yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xem xét nội dung sách Thực hành Kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1, dạy trẻ tăng lòng dũng cảm bằng việc đi trên thủy tinh.
“Để kịp thời chấn chỉnh và có biện pháp xử lý về những nội dung gây ảnh hưởng không tốt đến tâm sinh lý học sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội, Bộ GD-ĐT yêu cầu Nhà Xuất bản kiểm tra tình hình, kịp thời xử lý và báo cáo Bộ trước 28-8” – ông Hùng yêu cầu.
Như Pháp luật TP.HCM đã phản ánh cuốn sách Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh (HS) lớp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam đang gây nhiều phản ứng từ cộng đồng mạng. Ở bài 15 dạy trẻ về lòng dũng cảm với nội dung “Vượt qua nỗi sợ” kể về câu chuyện “Bạn An dũng cảm” (trang 77), sách viết: “Cô giáo rải một thảm thủy tinh dày trước mặt cả lớp và yêu cầu các bạn đi qua đó. Cả lớp đều rất sợ hãi và An cũng vậy. Nhưng cô giáo đã động viên và hướng dẫn giúp An tự tin đi qua thảm thủy tinh một cách dễ dàng. Khi đi qua rồi, An thấy thảm thủy tinh không đáng sợ như mình nghĩ và An quay lại động viên các bạn để các bạn dũng cảm như An. Cuối cùng cả lớp đều dũng cảm đi qua thảm thủy tinh” (!).
Bên cạnh câu chuyện là hình ảnh bé gái đang giẫm qua thảm thủy tinh để minh họa. Phần thảo luận của bài học có nội dung: “Em đã dũng cảm như thế nào? Em kể về sự dũng cảm của mình cho các bạn cùng nghe”.
Bìa sách và bài tập dạy học sinh lớp 1 dũng cảm. Ảnh: T.TUYỀN
Theo TS Phan Quốc Việt, chủ biên cuốn sách Thực hành kỹ năng sống cho HS lớp 1, thông điệp sau bài dạy là không phải lúc nào cuộc đời cũng nguy hiểm như chúng ta nghĩ mà chúng ta phải đối mặt với sợ hãi. HS phải thực hành để trải nghiệm và thấu hiểu.