ĐBQH: 'Luật Điện lực sửa đổi thông qua tại một kỳ họp là quá gấp rút'

(PLO)- “Theo tôi, với nội dung và khối lượng sửa đổi, bổ sung như vậy, nếu thông qua dự thảo Luật tại một kỳ họp là quá gấp rút, việc xem xét, cho ý kiến hoàn thiện các quy định sẽ không được kỹ lưỡng…" - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nói.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc

Chiều 7-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Nêu ý kiến, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), cho biết cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này của dự thảo Luật Điện lực cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Hồ sơ trình Quốc hội của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) theo quy trình 1 kỳ họp.

Tuy nhiên, bà Nga cho rằng nội dung sửa đổi của Luật Điện lực lần này rất lớn, sửa đổi toàn bộ nội dung luật, trong đó có những nội dung quan trọng như đầu tư, phát triển dự án điện lực, mua bán điện, hệ thống điện quốc gia…

luật điện lực.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương). Ảnh: QH

“Theo tôi, với nội dung và khối lượng sửa đổi, bổ sung như vậy, nếu thông qua dự thảo Luật tại một kỳ họp là quá gấp rút, việc xem xét, cho ý kiến hoàn thiện các quy định sẽ không được kỹ lưỡng…

Đồng thời, các chính sách sửa đổi đều là những nội dung mang tính dài hạn, đó là sự phát triển lâu dài, ổn định của điện lực quốc gia. Vì vậy, để có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa, nhằm đảm bảo chất lượng của luật, tôi đề nghị không thực hiện quy trình rút gọn trong lần sửa đổi này” - bà Nga nói.

ĐB Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) cũng nêu ý kiến cơ bản thống nhất việc cần thiết sửa đổi Luật Điện lực. Nguyên nhân do luật hiện hành thiếu rất nhiều nội dung đã và đang phát sinh trong thực tiễn, nên cần phải có căn cứ pháp lý cụ thể quy định, hướng dẫn để triển khai thực hiện, phù hợp với xu hướng phát triển chung.

Theo ĐB Đoàn Trà Vinh, việc sửa đổi Luật Điện lực cần phải đồng thời đáp ứng cả hai mục tiêu. Đó là vừa đạt mục tiêu trước mắt bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhưng cũng vừa đạt mục tiêu lâu dài thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong đó, cần đặc biệt quan tâm việc khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên sẵn có, nhất là các dự án điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới để đạt đồng thời hai mục tiêu nêu trên.

Vì hiện nay nguồn lực ngoài nhà nước đã và đang đầu tư vào lĩnh vực này rất nhiều. Nếu thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, sẽ làm lãng phí lớn nguồn lực xã hội như nhiều trường hợp dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay đã hoàn thành nhưng không thể hòa lưới thương mại…

Về thời điểm thông qua dự án Luật Điện lực (sửa đổi), ĐB cũng đánh giá đây là nội dung cấp thiết cần phải được Quốc hội xem xét sớm thông qua. Tuy nhiên qua nghiên cứu, ông thấy rằng còn quá nhiều nội dung cần phải thảo luận thật kỹ để ban soạn thảo hoàn chỉnh trình Quốc hội lấy ý kiến thông qua, nhằm tránh trường hợp Luật được Quốc hội bấm nút thông qua nhưng khó tổ chức thực hiện.

“Tôi đồng tình với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trân trọng đề nghị Quốc hội cân nhắc thật kỹ lưỡng theo hướng thông qua Luật Điện lực sửa đổi tại 2 kỳ họp.

Theo đó, sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10-2024 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5-2025 hoặc nếu xác định Luật này mang tính cấp thiết, đề nghị thông qua dự án Luật Điện lực sửa đổi vào kỳ họp bất thường cuối năm 2024 này” - ĐB Tuấn nói.

Hiện phiên thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) vẫn đang tiếp tục tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Chiều nay, có 51 ĐB đăng ký phát biểu thảo luận, tranh luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm