Sáng nay 18-8, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật hành chính công. Đây là lần đầu tiên một dự luật do một ĐBQH kiêm trưởng ban soạn thảo đệ trình được xem xét. Các ý kiến đều đánh giá cao cố gắng của đại biểu soạn thảo, tuy nhiên dự luật lại bị chê trùng lắp, chồng chéo với các văn bản pháp luật khác về hành chính công.
Biểu dương tinh thần làm luật
Trình bày Tờ trình về dự luật, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh kiêmTrưởng Ban soạn thảo dự luật cho hay dự luật được đề xuất từ năm 2013, đến tháng 5-2015 lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII. Dự án luật chính thức được Quốc hội khóa XIV đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Theo đó, dự luật được thiết kế 7 chương, 54 điều gồm các quy định về nguyên tắc chung của hành chính công, thủ tục hành chính, quản lý dịch vụ công và cung ứng dịch vụ hành chính công, chính phủ điện tử trong hành chính công, kiểm soát hành chính công, mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện hành chính công.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng ban soạn thảo dự luật hành chính công
“Dự luật nhằm cụ thể hoá Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp 2013 về quản lý hành chính Nhà nước và cung cấp dịch vụ công; xác định rõ mối quan hệ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hành chính công; xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch, tạo cơ sở để nhân dân kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động hành chính công…” – bà Khánh nói.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định
Các ý kiến thảo luận tại thường vụ đều đánh giá cao tinh thần, đóng góp làm luật của ĐB Khánh và các thành viên ban soạn thảo vì đây là dự luật khó, phạm vi rộng, trong thời gian ngắn ban soạn thảo đã tiến hành được khối lượng công việc lớn. Đặc biệt ĐB Khanh đã rất kiên quyết, kiên trì trong quá trình thực hiện dự án luật này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói: “Khâm phục trưởng ban soạn thảo đã có dự án luật hành chính công trình ra hôm nay. Trân trọng ý kiến một ĐBQH đề xuất dự án pháp luật”. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì bày tỏ: “Chị khánh đã rất nhiều lần tâm huyết phát biểu trước QH, và tờ trình của ban soạn thảo dự án luật hành chính công đã được UBPL rất nghiêm túc, trách nhiệm với mong muốn góp ý cùng ban soạn thảo để bảo đảm chất lượng của dự án Luật”.
Luật bị chê trùng lắp
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay do hồ sơ dự án Luật chưa có ý kiến của Chính phủ nên Ủy ban Pháp luật chưa thể thẩm tra được. Tuy nhiên, để góp phần nâng cao chất lượng dự án Luật, ngày 14-8-2017, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức phiên họp góp ý kiến vào dự án Luật này.
Theo ông Định, tờ trình về dự luật chưa đưa ra lý do thuyết phục về sự cần thiết ban hành luật; chưa xác định được những tồn tại, bất cập cụ thể trong các quy định của pháp luật hiện hành; chưa lý giải, làm rõ được với những nội dung điều chỉnh trong dự thảo Luật thì sẽ giải quyết được những thiếu sót, bất cập, cụ thể nào của nền hành chính hiện nay.
Tờ trình cũng chưa làm nổi bật được sự khác biệt giữa việc có Luật Hành chính công với việc không có Luật này; chưa lý giải thuyết phục được Luật này thể chế các quan điểm, chính sách nào của Đảng, quy định nào của Hiến pháp...
“Vì vậy, cân nhắc về sự cần thiết ban hành dự án Luật Hành chính công để tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung và phạm vi điều chỉnh với các văn bản luật hiện hành”- ông Định nói.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì nêu vấn đề liệu “Luật này có thể bao trùm tất cả các vấn đề mà các luật khác đang điều chỉnh hay không?”. Ông cho rằng phạm vi dự luật bị đặt quá rộng.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định tính thống nhất của luật này với luật khác còn chồng chéo, khái niệm chưa phù hợp. Chẳng hạn “như thế nào là hoạt động hành chính, như thế nào là khởi kiện thủ tục hành chính thì chúng ta đã có luật tố tụng dân sự rồi”. Hay như “khái niệm hành chính công và hành chính nhà nước là một hay là khác nhau?”. Theo đó, ông Hiển cho rằng dự luật chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội.
Đồng ý cần thiết ban hành luật, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị phải xem xét lại nhiều nội dung cụ thể như làm rõ các quy định dự thảo luật với khái niệm mang tính học thuật, cân nhắc thu hẹp phạm vi, đi sâu vào nội dung của luật.
“Nếu đưa dự án luật ra trước QH, sẽ rất khó khăn, nhất là chính phủ chưa xem xét về nôi dung dự án luật. Đề nghị nghiên cứu, làm rõ nội dung báo cáo của Uỷ ban Pháp Luật, và đặc biệt có ý kiến của Chính phủ đồng tình mới có cơ sở đưa ra Quốc hội” – ông Tỵ nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo phải bám sát vào phạm vi nghiên cứu của nền hành chính quốc gia. Nội dung nào đã được quy định về nền hành chính, công vụ, nội dung nào chưa được quy định thì phải làm rõ. Đồng thời phân tích rõ lý do cần thiết ban hành luật…
“Các quy đinh mỗi chương, mỗi điều cần phải bao quát làm rõ nội dung cụ thể, sự gắn kết. Các nội dung cơ bản cần thiết đưa vào dự luật, không trùng lặp với các luật về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và thể hiện rõ nội dung dự án luật. Phải thể hiện được hết các nội dung của hành chính nhà nước và cụ thể hóa các nội dung của hành chính nhà nước; xác định vị trí của luật nếu ban hành là luật khung hay là luật chuyên ngành…”- Chủ tịch Quốc hội lưu ý.