ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng nếu bơi lội được đưa vào môn bắt buộc trong chương trình chính khóa thì “rất tốt”. Tuy nhiên, ĐB này nghi ngờ về khả thi bởi hầu hết trường đều chưa có bể bơi, giáo viên dạy bơi, việc đưa học sinh từ trường học đến bể bơi sẽ làm tốn kém về thời gian và phát sinh kinh phí, làm gánh nặng cho học sinh, phụ huynh và nhà trường, đặc biệt là đối với vùng sâu vùng xa, vùng miền núi.
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cũng cho rằng quy định bơi là môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực rất lớn trong hoạt động đầu tư, tạo gánh nặng đối với gia đình và học sinh. “Hiện nay nhiều học sinh phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí chứ đừng nói chuyện phải mời thầy cô để dạy bơi” - ĐB Ninh Thuận nói.
Không đồng tình, ĐB Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cho rằng vấn đề mấu chốt ở chỗ các ĐBQH có coi vấn đề này là quan trọng không, còn chưa có bể bơi rồi sẽ có bể bơi. “Không bắt buộc mỗi trường đều phải có một bể bơi. Cả một huyện có thể chỉ cần từ ba đến năm, bảy bể bơi tùy theo dân số” - ông Trí nói.
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng cách thể hiện trong dự thảo luật hơi cứng nhắc, đòi hỏi là một bộ môn chính thức nên ai cũng hình dung là phải có bể bơi, có huấn luyện viên... “Chúng ta nên đưa vào trong luật như một tiêu chí học sinh phải biết bơi... thì tự nhiên trách nhiệm xã hội, trách nhiệm gia đình và trách nhiệm của nhà trường sẽ đào tạo các em biết bơi. Giả dụ đưa ra một tiêu chí muốn vào đại học phải biết bơi, tôi tin rằng tất cả đều biết bơi...” - ông Quốc nêu quan điểm.
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật cho rằng để bảo đảm tính khả thi của điều luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn, Ủy ban Thường vụ QH xin phép QH chỉnh lý dự thảo theo hướng chỉ quy định trách nhiệm của Nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi...