Năm 2008, Bộ NN&PTNT đề xuất và kiên quyết thực hiện Quy hoạch thủy lợi phục vụ chống ngập cho TP.HCM, bất chấp cảnh báo của các chuyên gia về những khiếm khuyết của quy hoạch này. Các hạng mục quan trọng của quy hoạch là xây dựng 43 cống ngăn triều và 180 km đê bao bờ sông. Tuy nhiên, khi TP.HCM đang khẩn trương làm “đê sông” thì Bộ NN&PTNT lại đột ngột đề xuất thực hiện siêu dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công.
Thất vọng đê sông
Nhớ lại việc Bộ NN&PTNT từng hối hả thực hiện quy hoạch chống ngập, TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, băn khoăn: “Quy hoạch đó được làm khá nhanh và khi ấy tôi đã chỉ ra không ít khiếm khuyết của nó. Báo chí cũng đăng tải nhiều ý kiến không đồng tình với quy hoạch này nhưng sau đó nó vẫn được phê duyệt. Sau khoảng hai năm thực hiện dự án, thực tế đã diễn ra đúng với những cảnh báo trước đây…”.
Theo TS Tô Văn Trường, khiếm khuyết lớn nhất của quy hoạch chống ngập là quá tốn kém nhưng hiệu quả thấp. “Tôi nghĩ lãnh đạo Bộ NN&PTNT nên lắng nghe các ý kiến phản biện, dũng cảm đề nghị Thủ tướng hủy bỏ quyết định đã phê duyệt Quy hoạch thủy lợi phục vụ chống ngập cho TP.HCM” - ông Trường nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính gây ngập ở TP.HCM là do hệ thống cống thoát nước cũ, hẹp và chưa đồng bộ. Do đó không cần thiết phải xây đê sông, đê biển để ngăn triều chống ngập. Ảnh: TRUNG THANH
Nhiều chuyên gia về thủy lợi ở TP.HCM cùng cho rằng Quy hoạch thủy lợi phục vụ chống ngập cho TP thực chất là dự án ngăn triều bằng những cống lớn kết hợp đê bao kín vùng muốn giải quyết ngập. Hiệu quả của công trình này trong mùa khô là không bàn cãi nhưng khả năng chống ngập trong mùa mưa còn nhiều điều phải bàn. ThS Hồ Long Phi, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho rằng vấn đề cấp bách của TP hiện nay hoàn toàn không phải là thủy triều hay mực nước biển dâng, mà là hệ thống hạ tầng thoát nước tại chỗ còn yếu kém và lũ thượng nguồn. Vì vậy, việc làm đê sông hay đê biển cũng dẫn đến tình trạng “nước xa không cứu được lửa gần”.
Phập phồng đê biển
Theo ThS Hồ Long Phi, không nên quá cường điệu vấn đề ngập lụt và biến đổi khí hậu để biện minh cho sự vội vàng và có phần khiên cưỡng của dự án đê biển. “Theo thống kê, thiệt hại do thiên tai của cả nước cũng chỉ ở mức 1,5 tỉ USD/năm, trong đó TP.HCM chỉ chiếm một phần rất nhỏ (theo Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB thì vào khoảng 12,6 triệu USD/năm). Như vậy, có cần khởi động ngay những dự án kiểm soát ngập với kinh phí hàng tỉ USD?” - ông Phi đặt vấn đề.
GS-TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Khoa học thủy lợi TP.HCM, cho rằng dù dự án đê biển được các chuyên gia của Hà Lan ủng hộ song không thể xem đây là ý kiến phản biện nặng ký. Ngoài ra, nếu dự án đê biển được thông qua thì thời gian hoàn thành phần đê không dưới 20 năm. Như vậy nếu bỏ các dự án đê bao bên trong để làm đê biển, TP.HCM sẽ tiếp tục chịu ngập trong một thời gian dài.
Về kinh phí, nhiều chuyên gia cho rằng 66.000 tỉ đồng đã là một con số khổng lồ nhưng nó sẽ còn tăng lên rất nhiều nếu dự án được phép thực hiện. Thực tế, các dự án thuộc quy hoạch chống ngập là minh chứng. “Chỉ tính các dự án quan trọng cần thực hiện trước như xây cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cống kiểm soát triều Tân Thuận, tuyến đê bao bờ tả sông Sài Gòn thì tổng kinh phí đã lên đến gần 2.300 tỉ đồng. Trong khi đó, trung tâm hiện chỉ có trong tay vài trăm tỉ đồng. Nếu xây đê biển, không biết số phận của những dự án cống ngăn triều và đê sông sẽ ra sao” - một cán bộ Trung tâm Chống ngập TP lo ngại.
Nếu làm cả hai thì... càng tốt Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học đã trả lời một số câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM. . Vì sao Bộ NN&PTNT hối hả thực hiện Quy hoạch thủy lợi phục vụ chống ngập cho TP.HCM nhưng giờ lại muốn quay sang làm đê biển? + Đó là một câu chuyện dài về nhận thức, rất khó nói. Tất nhiên trong đó có lỗi của anh em mình. Nó cũng giống cái bản đồ, phía đông thuộc trách nhiệm của người này, phía tây thuộc trách nhiệm của người kia… . Vậy nếu thực hiện dự án đê biển, các dự án đê sông thuộc Quy hoạch chống ngập có tiếp tục triển khai? + Vấn đề này sẽ do Chính phủ quyết định. . Theo ông thì nên làm đê biển hay đê sông? + Nếu làm được cả hai thì càng tốt. . Nhưng nếu không đủ kinh phí thực hiện cả hai thì sao, thưa ông? + Thì không cần phải làm đê bao bên trong. |
TRUNG THANH