Đê biển, đê sông và núi tiền chống ngập - Bài cuối: Đê biển sẽ gây hại môi trường

“Dự án rất táo bạo, quy mô và tầm ảnh hưởng của nó quá lớn nên cần phải được Quốc hội thông qua” - GS-TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Khoa học Thủy lợi TP.HCM, nói về dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công.

Theo ông Ân Niên, nếu đắp đê ngăn hẳn vịnh biển từ Vũng Tàu đến Gò Công với diện tích hồ chứa cỡ 500 km2, vấn đề ngập úng tại TP.HCM, TP Tân An (Long An) và thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) sẽ được giải quyết triệt để khi không có lũ lớn. Dự án còn tạo ra một tuyến vành đai ven biển từ Đông Nam Bộ xuống ĐBSCL nên lợi ích về kinh tế và quốc phòng là rất tốt. Nhưng đó chỉ là những viễn cảnh đẹp…

Nguy cơ sụt lún cao

Ông Ân Niên đánh giá, trên thực tế dự án sẽ phải đối mặt với những vấn đề gai góc về kỹ thuật. Thứ nhất, địa chất nền móng vùng vịnh trên rất xấu, phía trên mặt là lớp phù sa trẻ holocen, dày 30-40 m chịu lực rất kém. Vấn đề lớn thứ hai là môi trường. “Tuy hạn chế được xâm nhập mặn nhưng nước trong hồ được tạo ra bởi đê biển là ngọt hay lợ? Vùng sinh quyển Cần Giờ sẽ ra sao, rừng ngập mặn ven biển ở Vàm Láng (Gò Công) sẽ thế nào? Đó là chưa nói đến môi trường sinh sống của ngư dân, người nuôi trồng thủy sản ở khu vực sông Lòng Tàu, Thị Vải, Cần Giờ... sẽ bị đảo lộn hoàn toàn” - ông Ân Niên lo ngại.

Đê biển, đê sông và núi tiền chống ngập - Bài cuối: Đê biển sẽ gây hại môi trường ảnh 1

Theo các nhà khoa học, rừng ngập mặn Cần Giờ sẽ lâm nguy khi có đê biển. Ảnh: TRUNG THANH

Nhiều chuyên gia cũng cùng chung mối lo trên khi cho rằng trong báo cáo của Bộ NN&PTNT chưa nêu rõ các điều kiện địa chất cũng như thủy văn biển. Trên thực tế, các công trình ven biển nếu xây dựng không tốt thì nguy cơ bị nhấn chìm rất cao. Theo GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, chuyên gia cao cấp Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL, quá trình xói lở thân đê tất yếu sẽ xảy ra dưới tác động của dòng chảy. Hoạt động của sóng và dòng chảy cũng có thể gây sụt lún chân đê… Những tác động trên là trong điều kiện hải văn bình thường, chưa tính đến trường hợp có bão và nước biển dâng.

Phá hoại rừng ngập mặn

PGS-TS Lê Trình, Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam, nhấn mạnh: Dự án đê biển Vũng Tàu - Gò Công sẽ làm “ngọt hóa” các huyện Cần Giờ (TP.HCM), Cần Giuộc (Long An), Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu), Gò Công (Tiền Giang) và biến vịnh Gành Rái thành nơi dự trữ nước ngọt. Trong khi đó, vùng ven này là vùng ngập mặn có giá trị sinh thái - kinh tế quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Với tổng diện tích hơn 75.000 ha, trong đó rừng che phủ hơn 35.000 ha, rừng ngập mặn Cần Giờ có tính đa dạng sinh học rất cao. Rừng ngập mặn Cần Giờ còn đóng vai trò điều tiết khí hậu cho TP.HCM và các vùng lân cận; có tác dụng ngăn sóng, chống xói mòn và tác động của nước biển dâng. Các bãi lầy ven sông, ven biển và trong rừng ngập mặn còn có tác dụng xử lý ô nhiễm nước thải. Nếu không có dãy rừng ngập mặn này, chất lượng nước biển ở vịnh Gành Rái, Đồng Tranh và ven biển Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ không được như hiện nay.

Theo ông Lê Trình, hệ sinh thái rừng ngập mặn phụ thuộc cốt tử vào chế độ triều, độ mặn và mức độ bồi lắng. Việc ngăn vịnh Gành Rái, Đồng Tranh để làm đê biển Vũng Tàu - Gò Công chắc chắn sẽ làm suy thoái các rừng ngập mặn trong vùng, đặc biệt là rừng ngập mặn Cần Giờ - khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Tác động này là nghiêm trọng, không thể phục hồi nên sẽ khó được sự đồng tình của nhân dân, chính quyền TP.HCM, UNESCO và các tổ chức quốc tế.

Chưa mô phỏng trường hợp Bangkok

Đóng cửa một dòng sông, triệt tiêu tương tác với biển, thủy triều và mặn là một vấn đề cực lớn, có tác động sâu sắc lâu dài và không thể đảo ngược về nhiều mặt. Do đó, cần phải có những nghiên cứu độc lập đủ sâu để thấy được toàn cảnh của vấn đề chứ không phải chỉ là những nhận xét lấy có như trong báo cáo thủy lực của dự án. Báo cáo dự án cũng chưa mô phỏng bài toán lũ chồng lũ như trường hợp Bangkok. Mối đe dọa của việc xả lũ từ các hồ chứa mới thực sự là nguy cơ tiềm tàng và nguy hiểm nhất đối với TP.HCM. Đây mới chính là vấn đề cần nghiên cứu và điều chỉnh một cách không chậm trễ.

Thạc sĩ HỒ LONG PHI, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Biến đổi khí hậu, ĐH Quốc gia TP.HCM

TRUNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm