Để không còn nỗi ám ảnh mang tên “trả bài”

(PLO)- Dù đã ôn bài kỹ trước khi đến lớp nhưng nhiều học sinh cho biết vẫn cảm thấy lo lắng, sợ hãi khi bị gọi bất chợt trả bài đầu giờ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học mới ở quận 3, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng vẫn còn tình trạng giáo viên (GV) kiểm tra miệng đầu giờ theo kiểu kêu bất chợt, hỏi bất chợt. Điều này sẽ khiến học sinh (HS) căng thẳng, áp lực. Để HS hạnh phúc khi tới trường, GV không nên kiểm tra bài theo kiểu trên vì có nhiều hình thức đánh giá đa dạng khác.

Đề nghị trên của Sở GD&ĐT TP.HCM nhận được sự tán thành, ủng hộ của rất nhiều HS và GV. Bởi thực tế hiện nay cách trả bài theo kiểu cũ không còn phù hợp.

Cô quay xổ số và trúng ngay tên em

“Em rất sợ trả bài theo kiểu gọi bất chợt. Dù đã ôn bài rất kỹ nhưng khi thấy cô nhìn vào sổ, lấy bút dò danh sách, tiếng cô cất lên, em hồi hộp nên chữ cũng “bay” theo” - LNN, HS tại Trường THPT Thạnh Lộc, quận 12, bày tỏ.

Lên cấp III, N chưa gặp tình huống nào, tuy nhiên sự việc này đã xảy ra vào năm lớp 9 tại một trường THCS ở quận Gò Vấp.

Sau khi xong tiết văn vào sáng thứ Hai cô dặn cả lớp ôn bài kỹ để thứ Sáu kiểm tra miệng lấy điểm. Tuy nhiên, ngay hôm sau cô kiểm tra bài luôn trong khi tác phẩm hôm đó N chưa ôn kỹ. “Cô không gọi theo danh sách từ trên xuống dưới. Cô quay xổ số và trúng ngay tên em. Do tâm lý lại ôn chưa kỹ nên em bị 2 điểm. Tuy nhiên, đến thứ Sáu, em xung phong trả bài nên được điểm 7” - N nhớ lại.

w-P13-kiem-tra-mieng-1.jpg
Trong giờ học, giáo viên còn đánh giá học sinh qua những trò chơi kiểm tra kiến thức. Trong ảnh: Một giờ học của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cũng theo N, việc kiểm tra bài còn phụ thuộc vào tâm trạng của GV. “Hôm nào vui cô dạy bài mới, không thì cô kiểm tra miệng hoặc cho làm bài kiểm tra 15 phút. Vì thế, em chỉ mong GV khi kiểm tra nên báo trước để học trò đỡ căng thẳng” - N bộc bạch.

LV, HS Trường THPT Thủ Đức, TP Thủ Đức, chia sẻ dù đã chuẩn bị bài ở nhà nhưng khi tới lớp vẫn cảm thấy lo lắng nếu bị gọi lên trả bài cũ. “Em không biết sao nhưng có thể bị ảnh hưởng tâm lý. Năm cấp III em chưa gặp nhưng suốt thời gian học cấp I và II, em rất áp lực với hình thức này” - V nói thêm.

Từng bị ám ảnh về chuyện kiểm tra miệng đầu giờ thời HS nên từ khi trở thành GV, ThS Thiều Quang Thịnh, GV Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, không thực hiện hình thức đánh giá trên. “Tôi tán thành chủ trương của Sở GD&ĐT. Hồi còn đi học tôi cũng trải qua cảm giác lo lắng, căng thẳng mỗi khi bị GV gọi lên trả bài. Nên khi là GV, tôi áp dụng phương pháp kiểm tra làm sao cho học trò không bị áp lực” - thầy Thịnh nói.

Nhiều hình thức đánh giá khiến HS thích thú

Với chủ trương để môn sử trở nên nhẹ nhàng, thầy Thịnh thường đánh giá học trò qua việc phát biểu xây dựng bài, qua bài kiểm tra giấy, qua thái độ học tập cũng như kiểm tra vở chép bài.

“Dù không gọi HS lên trả bài nhưng những hình thức trên vẫn có hiệu quả trong việc phát huy năng lực tự học, tự đánh giá của HS” - thầy Thịnh nói thêm.

ThS Đặng Thanh Huân, GV Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, cho biết kiểm tra bài là một bộ phận không thể tách rời và thường xuyên trong quá trình dạy học và lĩnh hội kiến thức của HS. Mục đích của việc này giúp GV kiểm tra lại khả năng ghi nhớ, tiếp thu kiến thức của HS để từ đó có sự điều chỉnh về phương pháp dạy học. Tuy nhiên, việc kiểm tra bằng cách gọi từng em lên bảng bất chợt thường gây tâm lý căng thẳng, đặc biệt đối với những em chưa sẵn sàng.

“Do đó GV có thể thay thế kiểm tra bài cá nhân bằng hình thức tập thể. GV ra câu hỏi, yêu cầu làm trên giấy, hết thời gian, GV sẽ chọn một số bài ngẫu nhiên và chấm điểm. Bên cạnh đó, trong giờ lên lớp, bất kỳ câu hỏi nào HS trả lời đúng cũng ghi nhận và cho điểm. Ngoài ra còn kết hợp hình thức vấn đáp, thuyết trình cá nhân và làm việc nhóm. Hãy nuôi dưỡng tâm trạng thoải mái ngay từ đầu tiết học thay vì tạo căng thẳng bằng kiểm tra bài” - thầy Huân chia sẻ.

Thầy Võ Kim Bảo, GV Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, hoàn toàn đồng ý với đề nghị của lãnh đạo sở trong việc thay đổi cách đánh giá HS.

Theo thầy Bảo, việc kiểm tra bài cũ theo kiểu gọi lên bảng trả bài vẫn còn phù hợp trong điều kiện HS được GV thông báo trước còn kiểu gọi bất chợt, hỏi bất chợt thì hoàn toàn không phù hợp với tinh thần của giáo dục hiện nay là dạy học theo định hướng phát triển năng lực của HS.

“Bản thân tôi thường không kiểm tra bài cũ của HS. Với đặc thù dạy môn văn, phương pháp đánh giá HS của tôi khá đa dạng, kết hợp năm hình thức. Cụ thể kiểm tra viết qua bài trắc nghiệm, bài luận, bảng hỏi ngắn; quan sát hành động, thái độ, sản phẩm của HS; phương pháp hỏi - đáp được vận dụng thường xuyên; đánh giá qua các sản phẩm học tập như phiếu học tập, bài thuyết trình và cuối cùng hồ sơ học tập của các em” - thầy Bảo chia sẻ.

Thông báo trước về các tiêu chí đánh giá

Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình tổ chức các hoạt động học được thiết kế trong kế hoạch bài dạy thông qua các hình thức như hỏi - đáp, viết, thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập...

Đối với mỗi hình thức khi đánh giá bằng điểm số, phải thông báo trước cho HS về các tiêu chí đánh giá và định hướng cho HS tự học; chú trọng đánh giá bằng nhận xét quá trình và kết quả thực hiện của HS theo yêu cầu của câu hỏi, bài tập, bài thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập đã được nêu cụ thể trong kế hoạch bài dạy.

(Công văn 5512 về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục trong nhà trường của Bộ GD&ĐT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm