Một người bị cáo buộc vào tội giết người, bị phạt tù chung thân, đã thụ án hơn 17 năm trước khi được xác định là không có tội và được trả tự do. Có thể tóm gọn trong vài từ như thế về câu chuyện “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén.
Phân định các giai đoạn tố tụng độc lập
Biệt danh độc đáo “người tù thế kỷ” do báo chí đặt cho ông Huỳnh Văn Nén hàm chứa nhiều điều. Đó không chỉ là do thời gian ở tù trải dài từ cuối thế kỷ trước sang thế kỷ sau mà còn là những mất mát kinh khủng không chỉ của cá nhân người bị oan.
Mất mát vật chất: Gia đình chìm đắm trong cảnh nghèo đói, bản thân không tiền, không nghề nghiệp, ngơ ngác, lạ lẫm khi ra tù trước sự đổi thay của cuộc sống. Mất mát tinh thần: Nỗi đau, buồn, tổn thương và tủi nhục của người bị kết tội nhầm và chịu án oan cũng như của người thân thuộc. Suy cho cùng, chẳng giấy mực nào đủ để mô tả những thiệt hại đó.
Từ rất sớm, người ta đã nhận biết những rủi ro trong vận hành của hệ thống tố tụng hình sự: Quyền xử lý, phán xét nhân danh luật pháp, công lý có thể trở thành một đòn giáng vào người vô can theo kiểu tai họa từ trên trời rơi xuống. Lý do là quyền đó nằm trong tay con người và chẳng ai không có khuyết tật, điểm yếu có thể dẫn đến làm sai. Vấn đề đối với những người nắm quyền lực công có lương tâm là phải làm thế nào để khuyết tật, điểm yếu của người thực thi phận sự công trong lĩnh vực tư pháp không trở thành những viên đạn lạc vô tình găm một cách nghiệt ngã vào thân thể những phận đời lương hảo.
Chính với mong muốn ngăn ngừa rủi ro đó mà người làm luật đã phân chia quá trình xử lý một người bị nghi vấn phạm tội thành nhiều giai đoạn: Điều tra, truy tố, xét xử. Những người tác nghiệp ở các giai đoạn khác nhau được trao thẩm quyền xác định, hoạt động độc lập với nhau; người tiến hành tố tụng ở giai đoạn sau có trách nhiệm cũng như có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận kết quả công việc của người ở giai đoạn trước nhưng không có quyền can thiệp vào công việc đó. Trong chuỗi tác nghiệp ấy, người xét xử - quan tòa - giữ quyền phán xét tối hậu.
Nụ cười đầu tiên của ông Huỳnh Văn Nén sau khi vừa bước ra khỏi cổng trại giam sau 17 năm năm tháng năm ngày bị tù oan. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Đề cao nguyên tắc suy đoán vô tội
Có thể trong phần lớn trường hợp, những người bị cơ quan điều tra đặt vào diện tình nghi cao rốt cuộc đúng là người phạm tội. Nhưng không thể từ đó xây dựng và giữ định kiến về nghi can. Nếu cứ khăng khăng mặc định người bị tình nghi là bị cáo/thủ phạm, người ta dễ biến quá trình tố tụng thành một tập hợp những biện pháp tác nghiệp mang tính thủ tục để hợp thức hóa một kết luận đã có sẵn. Thậm chí có khi những biện pháp trái luật - như bức cung, mớm cung - được sử dụng với mong muốn kết thúc nhanh việc điều tra. Để ngăn ngừa những điều đó, nguyên tắc suy đoán vô tội được thiết lập, dẫn đến việc thừa nhận quyền im lặng của nghi can như sản phẩm phái sinh (BLTTHS năm 2015 - mà Quốc hội vừa thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016 - đã cụ thể hóa quyền im lặng này).
Cùng với nguyên tắc suy đoán vô tội và sự phân chia quá trình tố tụng thành nhiều giai đoạn, sự thừa nhận vai trò của luật sư cũng hết sức quan trọng. Cần tạo điều kiện để luật sư tham gia tố tụng ngay từ đầu và thừa nhận những quyền rộng rãi của luật sư trong thu thập chứng cứ nhằm bảo vệ thân chủ trước những cáo buộc. Trong tranh tụng trước tòa án, luật sư phải được đặt ở vị thế đối trọng với cơ quan công tố và tiếng nói của cả hai bên phải được thẩm phán lắng nghe như nhau, không phân biệt bên trọng, bên khinh.
Tất nhiên, người bị xử oan, bị thiệt hại vô lý, bất công thì phải được đền bù; những người đã làm việc tùy tiện, vô trách nhiệm dẫn đến oan sai (nếu có) hẳn sẽ bị xem xét trách nhiệm và bị chế tài tương xứng với hậu quả họ gây ra. Nhưng rốt cuộc chẳng có sự bồi thường nào, biện pháp xử lý nào đối với người làm sai có thể bù đắp hoàn hảo cho người bị oan. Ai tái lập được sự nguyên lành cho chén cơm đã bị đập vỡ?
Không để xảy ra hoặc hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng oan sai trong hoạt động tố tụng luôn là điều tốt nhất mà nền tố tụng của quốc gia nào cũng hướng đến.