Mới đây, Công an quận 2 (TP.HCM) đã tạm giữ Lê Tấn Phát (26 tuổi) để điều tra hành vi trộm cắp tài sản.
Phát là bảo vệ trong một chung cư tại phường An Phú, quận 2. Hơn một tháng trước, trong khi phụ giúp chủ nhà mang đồ đạc lên căn hộ, Phát đã lén nhìn người giúp việc bấm mật khẩu vào nhà. Lợi dụng cơ hội chủ nhà đi vắng, Phát đã lên nhà, nhập mật mã mở cửa suôn sẻ rồi trộm đi nhiều tài sản có giá trị.
Không chỉ mật khẩu căn hộ mà cả mật khẩu thẻ ATM, hộp thư, điện thoại… bất cẩn một chút chúng ta đã bị kẻ gian “sao chụp” được và trục lợi khi có cơ hội. Nếu ở chung cư, việc lộ mật khẩu sẽ rất nguy hại vì hầu hết các căn hộ chỉ khóa một lớp bằng mật khẩu (số) chứ không sử dụng nhiều ổ khóa như nhà đất riêng. Để bảo mật được mật khẩu của mình người dân phải có những kỹ năng ngay từ bước lập mật khẩu.
Số tài sản chủ căn hộ quận 2 bị mất trị giá khoảng 1,5 tỉ đồng. Ảnh: CA
Mật khẩu nào là an toàn?
Nguyên nhân mật khẩu dễ lộ là vì cách người dùng đặt mật khẩu dễ đoán. Có một số mật khẩu chỉ cần liếc mắt qua thao tác là có thể đoán được chứ không cần nhìn chằm chằm, lấy giấy viết ghi lại… khiến người ta nghi ngờ.
Kiểu đặt mật khẩu theo thứ tự lên xuống, trái phải của bảng số là một ví dụ. Chẳng hạn dãy số 123456, 142536, 321654… hoặc kiểu đặt theo ngày tháng năm sinh, nếu là 01021980 thì người lạ chỉ cần nhìn thấy bạn bấm một lần là sẽ nhớ ngay. Chưa kể nếu đoán được bạn dùng số ngày sinh nhật thì chỉ cần biết được một chi tiết trong dãy số, dò la các mối quan hệ liên quan là đoán được ngay.
Do vậy, đầu tiên hãy đặt một mật khẩu mạnh và an toàn, khó đoán. Có thể chọn ngày sinh nhưng nên kết hợp trúc trắc một chút. Ví dụ ngày sinh của bạn + của vợ/chồng theo thứ tự ngày trước tháng sau, tháng trước ngày sau… một chút đảo lộn để người lạ trong tích tắc liếc nhìn không thể nhớ kịp.
Khi nhập mật khẩu
Luôn lưu ý lúc mở cửa có ai đang ở gần mình không. Ví dụ bảo vệ, lao công thậm chí là hàng xóm đang đứng gần đó, trong tầm nhìn có thể quan sát thấy mật khẩu. Các căn hộ ở góc rẽ hành lang càng phải cẩn trọng bởi người lạ có thể tận dụng góc quanh này để nhìn lén mà chủ nhà không hề hay biết.
Đừng đặt mật khẩu là những dãy số dễ đoán.
Nếu có người đứng gần, không nên chủ quan, hãy câu giờ bằng cách nghe điện thoại, làm việc khác để tránh nhập mật mã trước mặt người này. Đợi người ấy đi khỏi vị trí quan sát mới thao tác.
Nếu có việc gấp phải vào nhà, đừng ngại ngùng sử dụng biện pháp che chắn thích hợp. Thà bị nghĩ là Tào Tháo còn hơn tiếc nuối về sau.
Trường hợp bảo vệ hoặc nhân viên cửa hàng đi cùng lên căn hộ giao hàng, để tránh khó xử, chủ nhà nên yêu cầu đợi ở thang máy, mở cửa nhà sẵn rồi mới dẫn họ vào.
Căn dặn những điều này với mọi người trong gia đình, đặc biệt là người giúp việc và trẻ em. Hạn chế để trẻ em tự mở cửa.
Một số giải pháp khác
Định kỳ đổi mật mã vào cửa căn hộ của mình một tháng một lần.
Nếu cửa căn hộ có nhiều cách để mở như dùng thẻ từ, chìa khóa cơ, mật mã thì nên ưu tiên sử dụng thẻ từ, vừa an toàn lại nhanh gọn.
Khóa vân tay là giải pháp rất an toàn, tiện lợi tại các căn hộ chung cư. Nếu căn hộ của bạn không có sẵn, chúng ta có thể tự trang bị một bộ với giá dao động 3-8 triệu đồng.