Bộ GD&ĐT ngày 1-3 đã công bố lịch thi và đề thi tham khảo các môn thi tốt nghiệp THPT.
Một tiết học của học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Nhân Tông, quận Bình Tân. |
Môn văn quá an toàn, toán khó hơn trước
“Đề văn quá an toàn” - cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường THPT Quỳnh Lưu 4 (Nghệ An), nhận xét.
Theo cô Hà, đề văn có kiến thức cơ bản, cấu trúc ổn định, vấn đề đặt ra gần gũi. Tuy nhiên, do đề quá an toàn nên gây nhàm và ít hứng thú cho những học sinh (HS) thực sự có khả năng sáng tạo, bứt phá và trông chờ sự mới lạ, thực tế hơn.
Bên cạnh đó, cô Hà cũng nhận xét đề thi có sự phân hóa ở câu vận dụng, chẳng hạn ở phần nghị luận văn học có một ý nhỏ mang tính liên hệ với triết lý sống ân tình, ân nghĩa của con người Việt Nam.
Chung nhận định, thầy Hồ Hoài Khanh, giáo viên Trường THPT Trần Nhân Tông, quận Bình Tân, cho biết đề văn giữ đúng cấu trúc và dạng câu hỏi từ năm 2017 đến nay nên không gây bất ngờ cho HS.
“Tôi vẫn luôn hy vọng ngoài kiến thức trọng tâm, đề thi cần có những câu hỏi để HS được thể hiện chính kiến bản thân” - thầy Thanh bộc bạch.
Với môn toán, thầy Phạm Duy Luân, giáo viên Trường THCS - THPT Nhân Văn, quận Tân Phú, cho biết cấu trúc đề không có gì thay đổi, tuy nhiên đề có mức độ khó hơn so với năm trước.
Đề thi có điểm mới lạ khi xuất hiện các bài toán hóa học có ý nghĩa thực tiễn cuộc sống như: Hiệu ứng nhiệt của thiết bị gas, độ dinh dưỡng phân bón hóa học (lớp 11).
Đồng quan điểm, thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, nhận xét: “Từ câu 1 đến câu 35, HS có thể dễ dàng lấy điểm. Tuy nhiên, từ câu 40 trở đi độ khó tăng dần. Với đề thi này, HS trung bình, yếu có thể làm được 5, 6 điểm. Nhưng để lấy được điểm 8 trở lên sẽ không hề dễ dàng. Điểm 9, điểm 10 cũng khó xuất hiện”.
Bộ GD&ĐT vừa chốt lịch kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra trong ba ngày từ ngày 27 đến 29-6. Đồng thời, bộ cũng công bố 15 đề thi mẫu của kỳ thi. Ngoài cấu trúc và dạng đề nằm trong chương trình phổ thông, đề thi mẫu tăng cường nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn học.
Đề hóa gần gũi thực tiễn
Đánh giá về môn vật lý, thầy Huỳnh Kiều Viết Lãm, giáo viên Trường THPT Ten Lơ Man, quận 1, cho biết đề có cấu trúc từ dễ đến khó, nội dung chiếm 90% kiến thức lớp 12, 10% kiến thức lớp 11 (rơi vào câu dễ). Các câu khó đòi hỏi tính vận dụng, kỹ năng cao của HS.
“Đề dễ dàng cho HS đạt 5-7 điểm nhưng khó đạt 9, 10 điểm, có tính phân loại với các em chọn môn lý, tổ hợp tự nhiên để vào ĐH. Đề ít điểm 9, 10” - thầy Lãm nhận định.
Đối với môn hóa, thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 10, cho hay đề thi vẫn giữ ổn định cấu trúc của các năm trước.
“Đề thi có điểm mới lạ khi xuất hiện các bài toán hóa học có ý nghĩa thực tiễn cuộc sống như: Hiệu ứng nhiệt của thiết bị gas, độ dinh dưỡng phân bón hóa học (lớp 11). Các câu hỏi này không cần tính toán quá phức tạp nhưng cần có tư duy và năng lực đọc hiểu thông tin” - thầy Thanh bộc bạch.
Theo thầy Thanh, với đề này, HS trung bình, khá có thể đạt 6,5-7,75 điểm, HS giỏi có thể đạt 8-9 điểm nhưng để đạt điểm 10 cần sự xuất sắc.
Trong khi đó, môn sinh không có nhiều câu hỏi nặng về tính toán. 25% câu hỏi ở mức độ vận dụng - vận dụng cao.
Với tổ hợp khoa học xã hội, đề thi có sự phân hóa rõ rệt. Thầy Thiều Quang Thịnh, giáo viên Trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, nhận xét cấu trúc đề ổn định, 75% nhận biết, thông hiểu, 25% vận dụng.
Các câu hỏi cuối yêu cầu đưa ra nhận định hoặc so sánh tính chất, đặc điểm của những sự kiện quan trọng của lịch sử Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1919 đến 1975 có sự phân hóa rõ rệt. HS muốn có điểm trọn vẹn thì phải nắm chắc kiến thức và tư duy tốt.
Nhận định về môn địa lý, cô Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, cho rằng đề có độ khó tăng hơn năm 2022 ở mức vận dụng, vận dụng cao và có sự phân hóa nhiều hơn. Điểm mới là phần thực hành kỹ năng địa lý sử dụng atlat, đề không ghi rõ số trang mà ghi tên trang atlat HS cần sử dụng. Mặt khác, mức độ các câu hỏi thông hiểu cũng tăng lên. “Với đề thi này lấy điểm 10 hơi khó vì đòi hỏi nhiều kỹ năng” - cô Hiệp nói.
Còn cô Phan Thị Kim Chi, giáo viên dạy môn giáo dục công dân tại Trường THPT Hùng Vương, quận 5, cho rằng đề ở mức độ vừa phải, không quá khó. “Đề thi có những câu hỏi mang tính phân hóa. Với đề thi này sẽ có mưa điểm 10” - cô Chi nói.
Riêng môn tiếng Anh, một giáo viên Trường THPT An Đông, quận 5 nhận định đề thi giữ ổn định về độ khó và các dạng câu hỏi. Ngoài kiểm tra các kiến thức về ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, chức năng giao tiếp, kỹ năng viết, đọc, năm nay đề xuất hiện thêm mạo từ. Độ phân hóa tập trung vào các câu hỏi từ vựng và suy luận của bài đọc hiểu.•
Lo lắng trước kỳ thi bước ngoặt
Sau khi Bộ GD&ĐT chốt thời gian thi tốt nghiệp THPT sớm hơn năm ngoái, không ít HS tỏ ra lo lắng. Em Hoàng Thu Trang, HS lớp 12 Trường THPT Ngọc Tảo, Hà Nội, chia sẻ: “Khối lượng kiến thức nhiều nên em lo không kịp ôn tập. Xem qua đề thi, em thấy đề toán, văn không quá khó, riêng đề tiếng Anh hơi dài và khó. Hiện em học thêm khá nhiều, có hôm 20 giờ mới về đến nhà. Từ tuần này em đã bắt đầu ôn thi ở trường”.
Em Đặng Đông Hòa, HS lớp 12 Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến, Đà Nẵng, bày tỏ sẽ nỗ lực hết sức. “Có chút áp lực nhưng em luôn cố gắng cân đối giữa việc học, nghỉ ngơi và tham gia hoạt động của trường. Rút kinh nghiệm từ kỳ thi chuyển cấp năm lớp 9, em đã sớm chuẩn bị kiến thức và chọn khối, chọn trường. Nhiều bạn “nước đến chân mới nhảy” sẽ rất áp lực với kỳ thi này” - Hòa nói. TÂM AN