Nhiều hội đồng thi chỉ có 1-2 thí sinh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV sau khi kết thúc mỗi môn, nhiều thí sinh đã thở phào nhẹ nhõm.
Thầy Nguyễn Thế Dũng, Trưởng bộ môn sinh của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM, cho rằng đề năm nay khá dài và có khó hơn so với năm ngoái, cấu trúc ra đề cũng không có gì thay đổi, 90% nội dung thuộc chương trình lớp 12, có một số câu kết hợp kiến thức lớp 10. Theo thầy Dũng, tính phân hóa của đề khá tốt, 20 câu đầu là kiến thức rất cơ bản các em đã học trong sách giáo khoa nên hầu như em nào cũng làm được và làm nhanh.
Còn thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên sinh Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: Đề thi năm nay khá đa dạng, bám sát kiến thức cơ bản và phù hợp xét tiêu chí của Bộ GD&ĐT. 10 câu cuối đòi hỏi học sinh có lực học giỏi thực sự mới có thể làm được. Điểm hay của đề thi năm nay là đưa nhiều kiến thức thực hành vào bài tập và đòi hỏi thí sinh phải có khả năng vận dụng cao và kiến thức nhiều hơn so với năm trước.
Thí sinh kiểm tra lại kiến thức sau buổi thi cuối cùng môn sinh chiều 4-7. Ảnh: P.ANH
Đề thi có thể nói là rất khó, ví dụ như câu 47 của mã đề 713 khi câu hỏi về chủ đề di truyền đó là mang tính chất bệnh di truyền phối hợp với di truyền ở người và tương tác gen. Đòi hỏi học sinh phải nắm chắc các phép lai mới có thể làm được.
TS Lê Thị Thu Hương, giảng viên ĐH Thủ đô, cho biết đề thi sử nằm gọn trong chương trình kiến thức lớp 12, có thêm câu hỏi về bảng biểu đòi hỏi thí sinh phải có tư duy tổng hợp, khả năng phân tích và có kiến thức tổng hợp về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1920-1930. Tính liên hệ thực tiễn trong đề thi rất cao, đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ với chủ trương và đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Đưa ra cho thế hệ trẻ phát biểu ý kiến cá nhân về trách nhiệm của mình về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cái hay của đề thi năm nay là Bộ đã giảm câu hỏi về học thuộc lòng mà đòi hỏi sự tư duy logic của thí sinh, cách nhìn tổng quan về tình hình lịch sử và khả năng tư duy, suy luận cao.
Ngược lại, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, trưởng bộ môn sử của Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, cho rằng đề sử năm nay không có sự đột phá, vẫn theo môtíp cũ từ năm ngoái về cả hình thức lẫn nội dung. Trong trường khi học sử thì các em phải học quá nhiều sự kiện và rất áp lực nhưng khi ra đề lại ra rất cơ bản và không tận dụng được những gì đã dạy và học để cho các em làm bài thi. Cách ra đề như vậy sẽ khó cho cả giáo viên lẫn học sinh về sau khi học môn này trong trường. Với đề này, thầy Du cho rằng phổ điểm nhiều nhất là mức 5 và 6 vì tính phân hóa không cao, phù hợp cho những em nào dùng môn sử để xét tốt nghiệp. Còn 8 điểm trở lên sẽ rất khó.