Để tác phẩm thiết yếu đến tay người khiếm thị: Cần sự nỗ lực của 'người sáng mắt'

(PLO)- Theo ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhận định cần có sự chung tay của tất cả ban ngành nhà nước để những tác phẩm thiết yếu có thể đến tay người khiếm thị.

Ngày 12-9, Bộ VH-TT & DL Cục bản quyền tác giả tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến các nội dung cơ bản của Hiệp ước về tạo điều kiện cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước Marrakesh).

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VĂN HÀ

Nỗ lực hướng đến người khiếm thị

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Thanh Hà, Tổng biên tập NXB ĐHSP TP.HCM đánh giá cao sự nổ lực của Đảng, nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội để có những ấn phẩm cho người khiếm thị.

Tuy nhiên ông cũng khẳng định tại hội nghị không có xuất bản phẩm nào ở đây mà chỉ có tài liệu. Bên cạnh đó, ông Hà cũng đem đến 3 ấn phẩm do NXB ĐHSP TP.HCM ấn hành để giới thiệu đến các đại biểu tham dự hội nghị.

Ông Lê Thanh Hà giới thiệu những ấn phẩm cho người khiếm thị

"Hiện nay, từ tháng 3 chúng tôi làm được một số ấn phẩm như bảng tuần hoàn các nguyên tố Hoá học, trong này có hệ thống QR của 115 nguyên tố hoá học mà người mù không chỉ sờ phần chữ nổi để biết mà có thể quét mã QR để nghe file audio từ 2-4 phút.

Còn 2 sản phẩm dành cho các em nhỏ bị khiếm thị mới tiếp cận với chữ là bảng chữ cái chữ số và bảng nhân. Điểm nổi bật của nó là người sáng có thể dạy người mù vì hiện nay người sáng mắt có con đi học phải bỏ thời gian đi học để dạy còn bây giờ thì có thể tự dạy nếu có bảng này.

100% sản phẩm tôi làm nhằm mục tiêu không chỉ là một kênh tài liệu cho người mù mà động lực chính mà tôi sáng tạo vì tôi là thầy giáo của trường ĐH sư phạm, tôi dạy học hơn 38 năm nên tôi hiểu rất rõ vấn đề khó khăn của người dạy" – ông Hà nhấn mạnh.

Bảng chữ cái nổi dành cho người khiếm thị được NXB ĐHSP TP.HCM ấn hành

Dẫu vậy, hiện tại các ấn phẩm cho người khiếm thị vẫn còn gặp nhiều bất cập trong đó có sách giáo khoa.

Theo TS. Trần Thị Thư, trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia, sách giáo khoa chữ phóng to làm chữ to chất lượng không đảm bảo.

Sách giáo khoa chữ nổi Baraille thì giá thành cao, chưa có ngân sách để chuyển, nhân bản sách và chưa có chiến lược điều phối cũng như sử dụng SGK chữ nổi hiệu quả. Ngoài ra, còn có sách nói và sách điện tử tự phát không quy chuẩn.

Cần sự chung tay của các bên liên quan

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết việc thực hiện các hiệp ước quốc tế cũng như cơ chế chính sách quy định của pháp luật đã có những bước tiến triển rất tốt phục vụ việc hỗ trợ cho người khiếm thị.

“Tuy nhiên chúng ta thấy rằng dù được sự quan tâm của nhà nước, các tổ chức xã hội,…nhưng để đáp ứng được nhu cầu và những công việc thiết thực, quy định chính sách thực sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ cho người khiếm thị vẫn còn những khoảng cách, còn những việc phải làm mới đáp ứng được nhu cầu này” – ông Hoàng cho hay.

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu

Và từ những đóng góp của các đại biểu từ Hội người mù Việt Nam, Trung tâm hướng nghiệp Sao Mai, Thư viện sách nói hướng dương… để hiệp ước Marrakesh trở nên thực tiễn thì ông Hoàng nhận định có 4 nhóm đề xuất giải pháp.

"Trong đó có một điểm đó là rất cần sự phối hợp của các đơn vị nhà nước và đi cùng đồng hành cùng chúng tôi cũng như đơn vị liên quan đến hội người mù, viện nghiên cứu để làm sao để chúng ta tháo gỡ những nút thắt đặc biệt là ở đây là vấn đề về kinh phí.

Nếu như những xuất bản phẩm thiết yếu cơ bản như SGK thì cần phải có sự chung tay của nhà nước, đơn vị hay các tổ chức quốc tế cũng như trong nước để làm sao những tác phẩm thiết yếu có thể đến tay người khiếm thị" – ông Hoàng bày tỏ.

Hiệp ước Marrakesh được thông qua vào tháng 6 - 2013 và chính thức có hiệu lực vào tháng 9- 2016. Tính đến tháng ngày 20- 6- 2023, Hiệp ước có 93 thành viên. Hiệp ước Marrakesh chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 6 - 3 -2023.

Hiệp ước Marrakesh tạo ra môi trường pháp lý nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các tác phẩm đã công bố cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường, tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa việc bảo vệ quyền tác giả và bảo vệ lợi ích chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới