Đề thi được cho là "lạ".
Những ngày qua, cộng đồng mạng và nhiều học sinh rất quan tâm đến đề thi môn Ngữ văn của học sinh lớp 7 huyện Lộc hà, tỉnh Hà tĩnh khi yêu cầu học sinh hãy viết hai câu thơ sau sang tiếng phổ thông:
“Mô rú mô ri mô nỏ chộ
Mô rào mô bể chộ mô mồ”.
Đây là đề thi khảo sát chất lượng năm 2014 – 2015 do Phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà ra đề. Đề thi có 4 câu, trong đó câu 2 (1 điểm) có yêu cầu như trên.
Khi đề thi được đưa lên mạng xã hội, rất nhiều người đã chia sẻ về đề thi này. Có người cho rằng đề thi thú vị, nhưng cũng có người lo lắng cho rằng học sinh không am hiểu tiếng địa phương sẽ…gặp khó khi làm bài.
Một số người lớn ở Nghệ An, Hà Tĩnh sau khi đọc đề thi cũng cho biết, thấy khó để dịch chính xác hai câu thơ trên. Nhiều người phải ngồi dịch từng từ rồi mới dịch hoàn chỉnh hai câu thơ trên.
Trong ngôn ngữ địa phương vùng Nghệ Tĩnh “mô” là đâu, ý là ở đâu. “Rú” là núi. “Mô ri” là ở đâu?. “Nỏ” là không. “Nỏ chộ” là không thấy, chẳng thấy. “Rào” là sông. “Bể” là biển. “Mô mồ” là đâu nào…
Tuy nhiên, khá nhiều người đã khen ngợi cho tính sáng tạo của người ra đề. Một người dùng nhận xét: "Văn học là nhân học, học văn trước hết học để làm người.
Mình thích văn, khi học phổ thông mình vài lần được ôn, luyện thi học sinh giỏi văn quốc gia. Sau đó, mình ước mơ trở thành giáo viên dạy văn. Nhưng rồi vì nhiều yếu tố nên không thực hiện được ước mơ.
Quan điểm cá nhân: mình thấy câu đề trên rất hay, nó chỉ chiếm 1 điểm nhưng gợi cho học sinh rất nhiều điều: tránh được sự khô cứng; yêu tiếng mẹ đẻ...".
Một người dùng khác cũng tấm tắc khen: “Nói chung là một đề văn quá hay, tránh nhàm chán, rập khuôn. Chỉ có những người mất gốc mới không nhận ra cái hay của nó. Thế mới sinh ra việc bảo tồn và lưu giữ văn hóa từng địa phương chứ”.
Cư dân mạng tấm tắc khen đề thi.
Chiều 13-5, trao đổi với PLO, ông Phan Thanh Dân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà cho biết, đáp án chính xác của của hai câu thơ này là:
“Đâu núi đâu non đâu chẳng thấy
Đâu sông đâu biển thấy đâu nào”.
Theo ông Dân, việc ra đề trên là rất bình thường, không hề đánh đố học sinh. Với hai câu thơ trên, có khoảng 90% học sinh có đáp án đúng. Với những người dân quê Hà Tĩnh đi làm ăn xa thì có thể dịch khó chứ người dân tại địa phương thì quá bình thường vì đó làn hững từ ngữ các em dùng hàng ngày.
“Đây là chương trình địa phương được tích hợp vào chương trình môn Ngữ văn theo chương trình khung của Bộ giáo dục – đào tạo nhằm kiểm tra phần văn hóa địa phương của học sinh. Và đây không phải là lần đầu tiên Phòng ra đề thi kiểu này mà đã có từ 3 – 4 năm nay nhưng trước đây chỉ hỏi từng từ một ví dụ “ từ rú nghĩa là gì?”. Năm nay, lần đầu tiên đề thi cho học sinh dịch câu thơ cho mềm mại hơn”. Ông Dân cho biết.