Nhận xét về đề thi tham khảo môn Ngữ văn mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng không có thay đổi so với đề tham khảo và đề chính thức 2021. Thậm chí, cấu trúc và kiểu dạng câu hỏi vẫn tương tự đề tham khảo và đề chính thức từ năm 2020.
Với thời lượng 120 phút, đề thi giữ nguyên hai phần như cấu trúc đề thi THPT Quốc gia từ năm 2017 tới nay: phần đọc hiểu (3,0 điểm), phần làm văn hai câu, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm. Đó là cấu trúc quen thuộc, phù hợp với tâm lí, nhận thức của học trò.
Cụ thể, phần đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn thơ, nằm ngoài chương trình SGK phổ thông, sau đó là 4 câu hỏi đọc hiểu, được phân loại theo các cấp độ nhận thức đã được giảm tải.
Cũng như đề tham khảo và đề chính thức kì thi Tốt nghiệp THPT năm 2021, hai câu hỏi 1 và 2 cho phần đọc hiểu của đề tham khảo môn ngữ văn 2022 đều dừng lại ở mức độ câu hỏi nhận biết với những tín hiệu khá rõ ràng.
Theo cô Tuyết, nhìn chung đề thi tham khảo môn Ngữ văn không có sự thay đổi. Ảnh PHI HÙNG
Câu hỏi 1 yêu cầu nhận biết về một yêu tố hình thức của ngữ liệu, đó là thể thơ; câu hỏi 2 yêu cầu nhận biết về một yếu tố nội dung của ngữ liệu, đó là yêu cầu: “Theo đoạn trích, sông Hồng đã để lại những gì trước khi về với biển”. Với yêu cầu nhận biết, đây sẽ là những câu hỏi giúp học trò dễ dàng đạt mức điểm tuyệt đối dành cho mỗi câu hỏi, thường có thể từ 0,5 tới 0,75 điểm.
Câu hỏi 3 hướng tới mức độ thông hiểu khi yêu cầu thí sinh giải thích một chi tiết nội dung của ngữ liệu đọc hiểu: “Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về vai trò của sông Hồng đối với đời sống con người Việt Nam?...”.
Câu hỏi 4 có thể coi là câu hỏi vận dụng cao khi yêu cầu học trò chỉ ra ý nghĩa của hai dòng thơ “…máu ta mang sắc đỏ sông Hồng/nỗi khổ và niềm vui bất tận” với suy nghĩ, xúc cảm…của các em.
Với cấu trúc quen thuộc, mức độ các câu hỏi vừa sức, có xu hướng giảm tải khá rõ khi gia tăng câu hỏi nhận biết so với các kì thi THPT quốc gia trước đây. Phần đọc hiểu sẽ là phần kiến thức và kĩ năng hứa hẹn khả quan cho quĩ điểm của thí sinh trong quá trình thực hiện các yêu cầu của đề bài.
Sang phần làm văn, câu nghị luận xã hội vẫn không thay đổi với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận vẫn là một khía cạnh của vấn đề có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ với nội dung ngữ liệu của phần đọc hiểu trước đó, và đó cũng là những kĩ năng đã quá quen thuộc với học trò trong quá trình ôn luyện của cả cấp học THPT.
Câu nghị luận văn học chiếm quĩ điểm cao nhất, 5 điểm, cũng là dạng bài mang tính truyền thống, được thầy trò cấp THPT đầu tư rất nhiều tâm huyết, thời gian… Theo đề tham khảo năm nay, vấn đề xác định phạm vi kiến thức và kĩ năng trong câu nghị luận văn học khá rành mạch khi đặt ra yêu cầu trong hai câu lệnh: “Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ” và “Nhận xét tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích”.
Với cấu trúc của câu nghị luận văn học, thí sinh sẽ xác định rất rõ ràng các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, có ý thức gắn kết giữa nội dung cụ thể của câu lệnh chính “Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ “với việc nâng lên mức độ khái quát của một trong những tư tưởng quan trọng nhất của tác phẩm văn học là “tư tưởng nhân đạo”.
“Nhìn chung, nếu đề tham khảo đúng với tính chất minh họa cho cấu trúc, kiểu dạng, mức độ các câu hỏi của đề thi chính thức trong kì thi tốt nghiệp THPT năm học 2021 – 2022, đó sẽ là những định hướng đem lại sự yên tâm, cảm giác an toàn cho thầy và trò các trường phổ thông trong thời gian ôn luyện sắp tới, dù không có được nhiều cảm giác hồi hộp đón chờ sự mới mẻ, bất ngờ, điều vốn luôn là những thách thức thú vị cần có của mỗi kì thi”- cô Trịnh Thu Tuyết nói.