Đây là ý kiến của ông Hoàng Long Trọng, Tổ trưởng bộ môn ngữ văn Trường THCS Văn Lang, quận 1, về đề thi văn lớp 10 TP.HCM sáng nay (2-6).
Theo ông Trọng, đúng như cấu trúc đề và đề minh họa của TP.HCM, đề gồm ba câu như đề thi những năm trước. Nhưng năm nay đề có tính tích hợp ở câu 1. Tích hợp với kiến thức của môn hóa, địa. Nhưng về bản chất vẫn sử dụng kiến thức môn ngữ văn để trả lời. Chỉ cần học sinh (HS) bình tĩnh đọc đề, suy xét kỹ lưỡng sẽ làm tốt bài thi.
HS thích thú với đề thi văn. Ảnh: HOÀNG GIANG
Với câu 1 (đọc - hiểu văn bản) vẫn kiểu đề như năm trước, đề cho hai văn bản về một vấn đề của xã hội. Từ hai văn bản đó, HS phải đọc - thông hiểu - vận dụng để giải quyết bốn câu hỏi a, b, c, d của đề. Câu hỏi nhìn dài nhưng kiến thức khá trọng tâm. Hơn nữa khi ôn tập, giáo viên đã cho HS luyện tập những kiểu đề dạng này rồi nên khả năng HS được 2-3 điểm cho câu hỏi này khá cao.
Với câu 2, nghị luận xã hội, vấn đề đề đưa ra khá gần gũi nhưng vô cùng thú vị. Từ ba hình trong đề bài, HS chọn một hình thể hiện mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái rồi bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình về mối quan hệ đó. Với kiểu ra đề này vừa quen thuộc, gần gũi với HS, lại khá mở rộng cho những chính kiến, suy nghĩ của HS. Các em thoải mái thể hiện ý kiến cá nhân của mình. Câu nghị luận xã hội này cũng phát huy mạnh tư duy phản biện của HS. Kiểu tư duy phản biện cũng là một kiểu tư duy cần rèn cho HS trong thời buổi ngày nay. Đây chính là câu có sức hút nhất với HS.
HS rời phòng thi sau khi kết thúc môn văn. Ảnh: HOÀNG GIANG
Với câu 3, nghị luận văn học, HS được lựa chọn một trong hai đề để làm. Trong đó, đề 1 là văn bản trong sách giáo khoa với đề tài tình đồng đội đồng chí (bài thơ về tiểu đội xe không kính). Ở câu này, năm nay đề không có ý thứ hai là liên hệ với thực tế đời sống. Tuy nhiên, đề tài đồng đội đồng chí cũng không phải là đề tài làm khó được HS.
Với đề 2, vẫn là chủ đề về sách, về đọc sách, HS sẽ viết một bài văn kiểu nghị luận xã hội với chủ đề “những ngọn lửa nhóm lên từ trang sách”. Câu này phù hợp cho những HS thực sự yêu thích bộ môn ngữ văn, có năng khiếu. Nếu HS có năng lực, có đam mê thì đây sẽ là cơ hội cho các em thể hiện mình. Nhưng theo tôi nghĩ, đa số HS sẽ lựa chọn câu hỏi số 1 trong phần này để làm bài, đảm bảo an toàn, yên tâm điểm số.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thọ, giáo viên dạy văn nhiều năm liền, chia sẻ đề vừa sức với HS. Câu 1 phần đọc hiểu với bốn ý nhỏ a, b, c, d phù hợp và ứng dụng được những vấn đề thực tiễn vào môn học. Còn đối với câu 3, nghị luận văn học, đề thi phù hợp với khả năng của mỗi em. “Đặc biệt, câu số 2 nghị luận xã hội rất hay, các em có thể chọn một trong ba hình ảnh để bày tỏ quan điểm của mình về mối quan hệ trong gia đình, quan trọng là cách lập luận của mỗi em. Mỗi hình tròn tượng trưng cho một mối quan hệ đó có thể là bao bọc chở che, chia sẻ gắn bó, bình đẳng độc lập giữa cha mẹ - con cái. Các em có thể sáng tạo bày tỏ quan điểm của mình từ chính cuộc sống của gia đình. Qua đó cũng giúp các em nói lên mong muốn của mình về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Đề thi này đối với HS trung bình có thể đạt 6-6,5 điểm, còn HS khá giỏi có thể cao hơn” - bà Thảo nhấn mạnh.
Có mặt tại điểm thi Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp) để giải đáp giúp học trò về đề thi môn văn, bà N.Quyên, giáo viên văn Trường THCS Lý Tự Trọng, cho hay đề năm nay nhìn chung bám sát nội dung của chương trình. Mặt khác, đề ra cũng thể hiện sự liên môn giữa các môn học và phát huy được tính sáng tạo của HS. “Tôi ấn tượng nhất là câu nghị luận xã hội. Cách thể hiện của câu hỏi rất thú vị và cho HS có sự chọn lựa bày tỏ cách hiểu của mình mà không có sự rập khuôn vào kiến thức mà các em đã học sẵn. Đề văn bắt đầu có chỗ cho HS tự tư duy và thể hiện cá tính của mình” - cô Quyên nói.