Rừng phòng hộ Xuân Lộc có tổng diện tích hơn 10.000 ha, thuộc địa phận các xã: Xuân Thành, Xuân Trường, Xuân Tâm, Xuân Hưng, Xuân Hoà ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai do Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc quản lý. Thời gian gần đây, người dân chặt cây rừng nhưng Ban quản lý rừng và các cơ quan chức năng chưa thể xử lý được do vướng luật.
Lúng túng do vướng quy định
Đồng Nai đã có nhiều cuộc đối thoại với người dân, gửi nhiều văn bản kiến nghị lên Trung ương; Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị tháo gỡ nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề này.
Vì hiện nay đang vướng các quy định của Luật nên BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc và cơ quan chức năng đang lúng túng trong việc xử lý vi phạm khai thác rừng. Ảnh: VŨ HỘI.
Hiện trong lâm phận Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Xuân Lộc có hơn 2.250 hộ gia đình đang canh tác trên diện tích gần 7.000 ha. Đến nay, BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc đã giao khoán cho hơn 1.700 hộ dân với tổng diện tích hơn 5.120 ha đất.
Hầu hết diện tích rừng phòng hộ Xuân Lộc là rừng trồng được hình thành theo dự án phủ xanh đất trống đồi trọc và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư, vốn ban quản lý, vốn hộ dân giao khoán đầu tư…
Theo chân cán bộ kiểm lâm thuộc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc, chúng tôi đi vào phân trường Trản Táo, thuộc địa phận xã Xuân Tâm, là "điểm nóng" về chặt phá rừng trong thời gian vừa qua. Hai bên đường, những đống gỗ cắt thành khúc bỏ ngổn ngang.
“Tình hình khu vực này hiện nay rất phức tạp, một số hộ dân không hợp tác… Chúng tôi chưa thể xử lý quyết liệt được, chỉ lập biên bản ghi nhận, giải thích và vận động cho người dân về việc vi phạm…”, một cán bộ kiểm lâm cho biết.
Ông Hoàng Đình Long - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc, cho hay từ năm 2019 đến nay, tình hình vi phạm về quản lý bảo vệ rừng rất phức tạp, tình trạng chặt phá cây rừng trong những hộ gia đình được giao khoán trồng rừng ngày càng phổ biến với quy mô lớn, tập trung tại phân trường Trản Táo.
Quyền lợi người trồng rừng xử lý sao?
Những hộ dân trồng rừng cho rằng, diện tích đất do cha ông canh tác từ nhiều năm trước, sau đó quy hoạch thành đất rừng phòng hộ.
Vì cây trồng đã hơn 30 năm nên họ mong muốn được khai thác gỗ, trồng thêm một số loại cây ăn trái nhưng là đất rừng phòng hộ, không được khai thác. Và điều này cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã rất nhiều lần trả lời, đối thoại, giải thích nhưng các hộ dân vẫn không đồng thuận.
Bên cạnh đó, còn sự chồng chéo, bất cập trong các quy định của pháp luật trong việc xử lý vi phạm, khai thác lâm sản và giao khoán rừng, dẫn đến việc quản lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
"Các hộ dân được giao khoán trồng cây gỗ Sao, Dầu từ năm 1988, đến nay, họ muốn khai thác vì đây là nguồn thu chính… nhưng việc khai thác toàn bộ diện tích lại không đúng theo Nghị định của Chính phủ. Vì vậy, rất nhiều người dân đã phản ứng, khai thác rừng trái phép nhằm chuyển hoá đất lâm trường thành đất sản xuất nông nghiệp"- Giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc giải thích thêm.
Ông Long dẫn chứng: Theo Nghị định 23/2006 (thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng), việc trồng rừng phòng hộ trên diện tích giao khoán cho các hộ dân do vốn của hộ dân nhận khoán đầu tư, hoặc là một phần nếu tham gia các dự án trồng rừng.
Tuy nhiên, theo Điều 4 Luật Lâm nghiệp thì rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì Nhà nước sẽ đầu tư toàn bộ.
"Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành không có nội dung quy định chuyển tiếp hoặc hướng dẫn xử lý nguồn vốn mà người dân đã bỏ ra đầu tư trồng cây, chăm sóc cây rừng phòng hộ và thành quả của họ trên đất nhận giao khoán. Vì vậy, chúng tôi rất khó xử lý việc người dân nhận khoán khai thác cây trồng vì nó là thành quả của họ" - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc nói thêm.
Trong khi các hộ dân nhận khoán, tự bỏ vốn đầu tư trồng cây Sao, Dầu, trồng xen cây công nghiệp từ những năm 1990, muốn đốn hạ để thay thế cũng không được.
"Do chưa có hướng dẫn về xử lý nguồn vốn người dân đã đầu tư trồng rừng phòng hộ cũng như quy định về sở hữu rừng dẫn đến tình trạng người dân nhận khoán tranh chấp quyền sở hữu cây rừng họ đã đầu tư với chủ rừng và Nhà nước. Nhiều người dân đã không đồng thuận, tự ý khai thác, gây khó khăn trong công tác bảo vệ rừng. Đây là bất cập rất lớn trong đất lâm nghiệp giao khoán cho các hộ dân trồng rừng…”- Ông Long nói.
Các bất cập trong quy định của Luật và thực tế chặt hạ rừng đang diễn ra tại địa phương đã được BQL rừng phòng hộ huyện Xuân Lộc kiến nghị, xin hướng dẫn trong nhiều năm qua để có hướng xử lý nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ.
BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc mong muốn cơ quan chức năng Trung ương, địa phương có cơ chế đặc thù về bố trí cây rừng trên đất rừng phòng hộ đã khoán cho các hộ dân, được khai thác cây rừng do họ tự trồng, để có điều kiện sản xuất nông nghiệp, có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Điều này sẽ giúp địa phương và đơn vị chủ rừng không có xung đột, thực hiện nhiệm vụ bảo, phát triển rừng bền vững.
Ông Quản Minh Cường – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai:
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai kiến nghị xem xét
Sau khi thực hiện chức năng giám sát về rừng phòng hộ, Đoàn ĐBQH Đồng Nai đã có báo cáo kiến nghị với Quốc hội có những quy định, hướng dẫn về xử lý nguồn vốn của người dân đã tham gia đầu tư trồng rừng phòng hộ cũng như thành quả của người dân có được trên diện tích giao khoán của các đơn vị chủ rừng.
Đối với Chính phủ và các bộ ngành, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị xem xét điều chỉnh, bổ sung quy định trong các Nghị định có liên quan để phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp, Bộ luật Dân sự và đặc biệt Luật Đất đai 2024…
Đoàn ĐBQH Đồng Nai đã yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát lại các kiến nghị, nội dung nào chưa giải quyết phải có lộ trình cụ thể. Nhanh chóng đưa các vụ việc liên quan đến vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất rừng ra giải quyết, dựa trên lợi ích thiết thực của người dân và đúng quy định của pháp luật.
Đoàn ĐBQH Đồng Nai đề nghị địa phương và BQL rừng tăng cường công tác quản lý, không để phát sinh điểm nóng, tuyên truyền để người dân hiểu chủ trương, chính sách của nhà nước về đất đai; cắm mốc ranh giới để hạn chế lấn chiếm.
..................
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi:
Cần có chính sách hài hòa
Nhiều năm nay tỉnh Đồng Nai luôn giữ độ che phủ rừng cao và duy trì diện tích rừng lớn trong khu vực. Hiện tại, giữa công tác quản lý đất rừng của Nhà nước và mong muốn của người dân được giao khoán có sự khác nhau dẫn đến nảy sinh những mâu thuẫn.
Do đó, cần có chính sách hài hòa để người dân và BQL rừng hợp tác trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng.
UBND tỉnh tiếp tục kiến nghị Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT hướng dẫn hoặc trình Chính phủ ra các quy định về sử dụng đất với BQL rừng phòng hộ.
...................
BQL rừng phòng hộ Xuân Lộc:
Xem xét nguồn vốn các hộ dân bỏ ra trồng rừng
Kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về sở hữu rừng; quy định, hướng dẫn về xử lý nguồn vốn người dân đã tham gia đầu tư trồng rừng phòng hộ.
Kiến nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh, bổ sung quy định về khoán rừng cho phù hợp với quy định của Luật Lâm nghiệp, Bộ luật Dân sự, đặc biệt là Luật Đất đai năm 2024.
................
Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai:
Giải quyết vấn đề từ gốc
Một mặt quy định rừng phòng hộ là rừng của Nhà nước, một mặt thì rừng ai bỏ tiền ra trồng thì tài sản là của người đó. Đây là mâu thuẫn lớn nhất cần được tháo gỡ dứt điểm.
Ngày xưa Nhà nước khuyến khích người dân bỏ tiền để đầu tư trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc. Khi có rừng phòng hộ rồi thì lại là rừng của Nhà nước.
Cái gốc của vấn đề là hiện nay chưa giải quyết được, chưa xác định được sở hữu cây rừng này là của ai.
Ngoài ra, hành vi phá rừng, khai thác rừng trái phép thì theo quy định mức xử lý hành chính quá nhẹ, không đủ sức răn đe.