Tại đây, các đại biểu đã đề cập đến vấn đề nên hay không nên giữ Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) ở các trường học công lập như hiện nay trong dự thảo Luật giáo dục .
Nói thẳng về vấn đề này, theo TS Thái Thị Tuyết Dung (Trưởng bộ môn Luật Hành chính, ĐH Luật TP.HCM), cho rằng không nên đưa quy định về ban hành điều lệ ban đại diện CMHS vào Luật Giáo dục và Ban này cũng không nên có nữa.
Theo TS Dung, để lo việc học tập cho con cái là mối liên hệ trực tiếp giữa nhà trường và phụ huynh chứ không nhất thiết phải cần bên thứ ba là Ban đại diện CMHS như hiện nay. Nếu có, Ban này phải là tự nguyện, không nên thuộc quản lý của Bộ GD&ĐT và khi đó phải quy định rõ cơ sở nào không có Ban này thì có bị xử lý gì không. Hơn nữa, hiện nay công nghệ thông tin rất phát triển nên việc liên lạc, trao đổi giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh cũng rất thuận lợi.
“Các con tôi đều học ở trường tư và không có ban đại diện CMHS gì cả, mọi thứ vẫn hoạt động bình thường. Vậy sao trường công lập lại bắt buộc? Vấn đề này nếu đưa vào luật liệu có ràng buộc với trường tư hay trường công. Chưa kể như thời gian qua, nhiều vấn đề về lạm thu xuất phát từ ban đại diện này, vậy Ban này liệu có cần thiết hay không" - bà Dung thẳng thắn.
Trao đổi về vấn đề này, đại biểu Trịnh Anh Nguyên (Trường ĐH Luật TP.HCM), cho rằng các trường công cần có ban đại diện CMHS vì học sinh đông và cần nhiều hỗ trợ từ phụ huynh. Còn trường tư, học sinh ít, nhà trường có kinh tế hơn nên có thể bao quát hết được.
“Ngoài làm về pháp lý, tôi cũng là phụ huynh. Tôi cũng có mặt ở nhiều Ban đại diện CMHS nhưng ở đâu không chuyên nghiệp tôi sẽ không tham gia. Tôi thấy Ban này cần được tập huấn kỹ năng. Việc có hay không có Ban này không quan trọng bằng nó hoạt động như thế nào. Do đó, luật cần quy định rõ ràng. Chứ tôi đi thực tế, có nơi họp bàn về thu tiền hỗ trợ cho trường nhưng lại tính thu bằng cách chặn hai đầu cửa ra vào, ai đóng tiền mới được ra ngoài. Dù mọi người đồng thuận hết nhưng làm như thế là không dân chủ, rất sai” – bà Nguyên nói.
Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM nêu ý kiến tại Hội thảo sáng 16-1
Cùng vấn đề này nhưng PGS.TS Phan Nhật Thanh (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng không nên bỏ Ban đại điện CMHS này vì giáo dục hiện nay đang thực hiện xã hội hóa. Vai trò của Ban sẽ cùng hỗ trợ, góp ý về chương trình, về cách để các cháu học tốt hơn chứ không phải lợi dụng quyền hạn để lạm thu.
Dưới góc độ quản lý trực tiếp, ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, lại đánh giá cao vai trò của Ban đại diện CMHS ở trường và không nên bỏ điều lệ về ban đại diện cha mẹ học sinh trong luật. Vì nhiều hoạt động giáo dục thành công là nhờ có sự phối hợp tốt giữa phụ huynh và nhà trường, thông qua Ban đại diện CMHS.
Theo thầy Phương, nhiều trường có những quy định chặt chẽ về việc thu chi của Ban này chứ không phải nơi nào cũng xảy ra việc lạm thu.