Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Theo đó, đơn vị này cho rằng báo cáo của Hiệp hội Vận tải ô tô các tỉnh, thành phố đều khẳng định doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô và bến xe đang gặp khó khăn.
Cụ thể, vận tải hành khách, hàng hóa giảm đến 90%, số còn lại hoạt động không hiệu quả, doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong khi chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh lại gia tăng, làm cho hoạt động doanh nghiệp vận tải ngày càng khó khăn.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đang đề xuất giảm phí đăng kiểm xe cơ giới. Ảnh: VIẾT LONG
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ngày 4-3, Thủ tướng ra Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó dịch COVID-19. Đây là giải pháp đúng đắn và kịp thời của Thủ tướng. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai chỉ thị còn nhiều bất cập, một số giải pháp chưa được triển khai hoặc đã triển khai nhưng còn mang tính hình thức, đưa ra nhiều rào cản, rườm rà về thủ tục khiến doanh nghiệp khó tiếp cận.
Cụ thể, một số ngân hàng đưa ra chính sách nếu giãn nợ thì không được giảm lãi suất và ngược lại nhưng nếu giảm lãi suất cũng chỉ giảm 0,5%/năm. Còn một số ngân hàng khác chưa có chính sách giảm lãi suất.
“Đặc biệt, đối với ngành thuế đến nay chưa có giải pháp nào hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn” - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay.
Qua nghiên cứu chính sách các nước, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất Chính phủ, giao ngân hàng xem xét hỗ trợ giảm 50% lãi suất vay cho các khoản phải trả lãi của tháng 4, 5 và tháng 6-2020 (trong số này Nhà nước hỗ trợ 25% và ngân hàng 25%).
“Bên cạnh đó, cho doanh nghiệp được bổ sung vốn lưu động tiếp tục khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi không quá 6%/năm, trong năm 2020 và không quá 9%/năm trong năm 2021…” - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị.
Hiệp hội cũng đề nghị miễn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho các doanh nghiệp kể từ tháng công bố dịch đến tháng 6-2020 (hoặc đến khi công bố hết dịch). Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp dùng số tiền này để trợ cấp trực tiếp theo lương tối thiểu vùng cho người lao động. Thời gian hỗ trợ trong ba tháng (từ tháng 4 đến tháng 6-2020).
Đối với Bộ GTVT, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị áp dụng cho doanh nghiệp vận tải được miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12-2020; giảm 50% phí đăng kiểm xe cơ giới; điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định ô tô chu kỳ đầu là 24 tháng và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng. Không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng.
"Đối với UBND các tỉnh cần giảm 50% lệ phí trước bạ và 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải. Thời gian áp dụng đến ngày 31-12-2021..." - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nêu đề xuất.
800.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hiện nay trên cả nước có hàng ngàn doanh nghiệp vận tải ô tô, hợp tác xã và hàng vạn hộ kinh doanh vận tải, với số phương tiện trên 800.000 xe và lực lượng lao động trên 1,2 triệu người. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lao động và doanh nghiệp trên đang gặp nhiều khó khăn. |