TP.HCM chạy nước rút làm nhà ở cho công nhân - Bài 1

Đề xuất hàng loạt quỹ đất xây nhà ở cho công nhân

Từ giữa tháng 7-2021, khi TP.HCM đã bước sang tháng giãn cách thứ ba, rất nhiều công nhân (CN), người lao động (NLĐ) đã tìm cách rời TP về quê. Thời điểm đó, để đảm bảo vừa chống dịch vừa sản xuất, TP đã thực hiện phương án “một cung đường - hai điểm đến”. Cùng thời điểm này, TP cũng đã tính đến các giải pháp để giữ chân CN, NLĐ, trong đó có giải pháp về chỗ ở.

Bình Chánh có quỹ đất tái định cư, Củ Chi đề xuất đất nền

Theo rà soát của UBND huyện Bình Chánh, địa phương này hiện có hơn 5.200 khu nhà trọ với khoảng 58.000 phòng. Tổng số CN, NLĐ ở trọ hơn 128.000 người, bằng dân số của một xã lớn của Bình Chánh như Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B.

Báo cáo của UBND huyện Bình Chánh cho biết đa số CN, NLĐ trên địa bàn huyện hiện chủ yếu sinh sống trong các phòng trọ do tư nhân đầu tư, xây dựng. Tại xã Vĩnh Lộc B hiện có quỹ đất 15 ha TP đang có chủ trương dùng để xây dựng nhà ở xã hội phục vụ CN thuê mua. Khu đất này trước đây cũng từng được quy hoạch là khu tái định cư, nằm kế ngay khu tái định cư hơn 31 ha hiện hữu.

Khu công nghệ cao có hai khu đất nằm trong quỹ đất để xây nhà ở lưu trú cho công nhân vừa được TP Thủ Đức báo cáo UBND TP. Ảnh: HOÀNG GIANG

Cuối tháng 9-2021, tại cuộc họp về phương án triển khai xây dựng nhà ở xã hội phục vụ CN trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở QH-KT và huyện Bình Chánh cung cấp thông tin quy hoạch, kiến trúc của khu đất 15 ha tại xã Vĩnh Lộc B nêu trên để Vingroup nghiên cứu, đề xuất phương thức xây dựng nhà ở xã hội phục vụ CN trên địa bàn TP.

Còn tại Củ Chi, nắm bắt chủ trương của TP, giữa tháng 5-2021, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã gửi hồ sơ đến Sở KH&ĐT xin chấp thuận chủ trương làm dự án nhà ở cho CN, NLĐ thu nhập thấp dưới dạng phân lô, bán nền. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, tính đến thời điểm này, sở đã nhận được năm hồ sơ của các nhà đầu tư cá nhân gửi đến. Chủ yếu các nhà đầu tư này xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất các khu đất có diện tích dưới 5.000 m2, phân ra thành nhiều lô đất để bán cho CN, NLĐ thu nhập thấp. Liên quan đến đề xuất này, UBND TP đã giao Sở KH&ĐT có ý kiến để TP xem xét và quyết định.

Quận 7 đề xuất thí điểm xây nhà lưu trú tạm thời cho công nhân

Đầu tháng 9-2021, quận 7 đã có công văn đề xuất UBND TP xem xét về việc sử dụng tạm thời tám khu đất trên địa bàn quận để xây nhà lưu trú tạm thời cho CN tại các khu chế xuất, khu công nghiệp trong thời hạn ba năm. Hiện trạng của các khu đất này chủ yếu là đất trống.

Bảy trong tám khu đất này có tổng diện tích hơn 13 ha, hiện đều do các đơn vị nhà nước quản lý và sử dụng. Riêng khu đất thứ tám là khu đất duy nhất của một doanh nghiệp tư nhân (Công ty CP Thương mại và xây dựng Thành Hiếu). Năm 2014, công ty này được TP giao khu đất có diện tích gần 29.000 m2 để thực hiện dự án nhà ở Thành Hiếu. Theo UBND quận 7, công ty này đã có cam kết sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở lưu trú cho CN trong thời gian chưa thực hiện dự án.

Theo đó, diện tích khu đất dành để xây nhà lưu trú cho CN gần 9.000 m2, hiện trạng đang là đất trống và đảm bảo về kết nối hạ tầng kỹ thuật. Khu đất này đã được quận 7 phê duyệt quy hoạch 1/500 từ năm 2014. “Công ty Thành Hiếu cam kết trong thời gian chưa triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch, sẽ đầu tư xây dựng nhà lưu trú tạm thời cho CN trong thời gian năm năm” - UBND quận 7 nêu trong văn bản gửi Sở Xây dựng.

Công ty Thành Hiếu đề xuất phương án xây dựng công trình nhà ở cho CN theo hình thức lắp ghép với kết cấu móng bê tông cốt thép, khung sắt, tường và mái tôn. Mật độ xây dựng là 60%-70%, mật độ giao thông và cây xanh 30% và cao hai tầng. Doanh nghiệp này dự kiến thi công trong một tháng. Theo phương án của Công ty Thành Hiếu thì có thể giải quyết nhà ở cho 1.300 CN.

Cũng theo một báo báo cáo của UBND quận 7 ngày 16-9, trên địa bàn quận có khoảng 40.000 CN tham gia sản xuất có nơi ở không đảm bảo vệ sinh, môi trường, không đáp ứng được yêu cầu phòng chống dịch.

Theo đánh giá của quận 7, trong các khu đất quận 7 đề xuất đều có hiện trạng là đất trống, kết nối hạ tầng kỹ thuật đảm bảo, có quy mô lớn, không xen cài trong khu dân cư hiện hữu, đảm bảo kiến trúc cảnh quan. “Nếu sử dụng các khu đất nêu trên đầu tư xây dựng khu lưu trú cho CN có quy mô quỹ đất hơn 74.000 m2, sẽ đáp ứng cho hơn 20.000/40.000 CN” - quận 7 nêu. Đồng thời, UBND quận 7 đề xuất TP cho phép xây dựng thí điểm xây nhà lưu trú tạm thời cho CN trong thời gian năm năm.

 Thủ Đức: Ba khu đất đáp ứng hơn 80.000 chỗ ở cho công nhân

Ở khu vực cửa ngõ phía đông TP, TP Thủ Đức là một trong những khu vực tập trung nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao với số lượng CN, NLĐ rất hùng hậu. Cụ thể, đó là các khu chế xuất tập trung Linh Trung I, Linh Trung II, Khu công nghiệp Bình Chiểu, Khu công nghệ cao.

Theo số liệu thống kê của TP Thủ Đức thì có tổng cộng gần 200.000 CN đang làm việc tại đây. Trong đó, 70% số CN có nhu cầu về chỗ ở. Theo khảo sát của TP Thủ Đức, hiện nay số CN này đang tạm trú tại các nhà trọ, điều kiện sống còn chật chội, chưa đảm bảo an toàn và chất lượng cuộc sống.

Cuối tháng 9 vừa qua, TP Thủ Đức đã có báo cáo TP về quỹ đất để xây nhà ở lưu trú cho CN với ba vị trí. Trong đó, hai khu đất nằm trong Khu công nghệ cao và một khu đất nằm tiếp giáp Khu công nghệ cao với tổng diện tích hơn 9,1 ha. Ngoài ra, Ban quản lý Khu công nghệ cao cũng cung cấp thêm thông tin về dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho chuyên gia, CN làm việc trong Khu công nghệ cao với quy mô 20,17 ha tại phường Long Thạnh Mỹ.

Năm 2017, Ban quản lý Khu công nghệ cao cũng đã khảo sát nhu cầu về chỗ ở của hơn 36.000 NLĐ đang làm việc tại đây. Kết quả là có hơn 50% người có nhu cầu về nhà ở xã hội. Thời điểm đó Khu công nghệ cao dự kiến số người làm việc tại đây sẽ hơn 45.000 người và nhu cầu về nhà ở xã hội cho NLĐ trong Khu công nghệ cao là rất lớn.

Trong báo cáo gửi TP, UBND TP Thủ Đức cho biết ngoài các khu đất nêu trên, địa phương này đang phối hợp với các khu công nghiệp tiếp tục rà soát các quỹ đất công phù hợp, các quỹ đất quy hoạch chưa khả thi để báo cáo TP đề xuất xây dựng nhà ở cho CN.

Kỳ sau: Nhà ở công nhân, có quỹ đất cũng
không dễ xây dựng

Ba khu đất theo đề xuất của TP Thủ Đức

Thứ nhất là khu đất tiếp giáp Khu công nghệ cao, diện tích 3,05 ha tại phường Long Thạnh Mỹ. Năm 2003, UBND TP đã có quyết định tạm thu hồi, giao đất cho Ban quản lý Khu công nghệ cao chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà ở lưu trú cho CN tại đây. Khu đất này đã được Sở QH-KT thỏa thuận sơ bộ quy hoạch kiến trúc vào năm 2005 với các chỉ tiêu: Số người cư trú dự kiến khoảng 5.000 người, mật độ xây dựng 25%, cao 7-15 tầng, hệ số sử dụng đất 3,2 lần.

Mới đây, TP Thủ Đức kiến nghị TP điều chỉnh quy mô lên 8.000 người, mật độ xây dựng 40%, tầng cao xây dựng là 25 tầng và hệ số sử dụng đất là 10 lần. Theo báo cáo của TP Thủ Đức, đến nay hạ tầng của dự án đã hoàn thành thi công 90%.

Thứ hai là khu đất thuộc dự án nhà ở và phục vụ chuyên gia tại Khu công nghệ cao, quy mô 42,39 ha, đáp ứng cho gần 42.000 CN, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.387 tỉ đồng.

Cuối cùng là khu đất thuộc dự án xây dựng và phát triển khu công viên Sài Gòn Silicon trong Khu công nghệ cao. Quy mô 45,57 ha, đáp ứng cho gần 35.000 CN, tổng mức đầu tư khoảng 2.231 tỉ đồng.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm