Đề xuất mở rộng thẩm quyền thừa phát lại

Trong tháng 4 và tháng 5, đoàn liên ngành của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Bộ Tư pháp, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và các cơ quan chức năng (do bà Mai làm trưởng đoàn) thực hiện khảo sát, đánh giá tác động kinh tế-xã hội của việc thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) tại một số tỉnh, TP trong cả nước. Tại các địa phương, đoàn khảo sát sẽ ghi nhận các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các văn phòng TPL, phối hợp với các cơ quan chức năng bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Trên cơ sở đó, đoàn sẽ tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để báo cáo Bộ Chính trị định hướng phát triển chế định TPL.

Một số văn phòng TPL tại Hà Nội đã đề nghị mở rộng thêm thẩm quyền của TPL lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ. Bởi có nhiều sự kiện, hành vi do cán bộ, công chức thực hiện nếu được lập vi bằng sẽ là chứng cứ tốt cho cả phía Nhà nước lẫn công dân như ghi nhận việc giao văn bản, tài liệu cho công dân; ghi nhận việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… Hiện theo Công văn 4003/BTP-TCTHADS ngày 19-9-2014 thì TPL “không được lập vi bằng các sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ, trừ trường hợp sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng”.

Ông Lê Mạnh Hùng - Trưởng Văn phòng TPL Bình Thạnh (TP. HCM) than phiền một số quy định đang làm khó hoạt động thi hành án của TPL. Cụ thể, phía ngân hàng không cho phong tỏa tài khoản, trích tiền của khách hàng để thi hành án. Lý do là Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào Công văn 5060/NHNN-PC ngày 15-7-2013 cho rằng: Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 61/2009 thì văn phòng TPL không phải là một cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nên không thuộc đối tượng được yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có sự chấp thuận của khách hàng mở tài khoản.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm