Giải trình tại phiên họp, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của bộ trưởng, cho biết sở dĩ bộ đưa ra đề xuất người vi phạm giao thông đặt tiền cọc, đem xe về vì quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thời hiệu thi hành quyết định xử phạt là một năm. Khi người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt, bỏ phương tiện thì phải chờ hết một năm mới thực hiện thủ tục xử lý phương tiện. Từ đó dẫn đến số lượng xe lưu kho tăng và thời gian tạm giữ kéo dài.
Bên cạnh đó, thủ tục tịch thu, bán đấu giá phương tiện cũng mất rất nhiều thời gian, nhiều khâu. “Pháp luật cũng chưa quy định cụ thể, rõ ràng về việc xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã quá hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc không xác định được người vi phạm...” - ông Ngọc thông tin.
Việc tạm giữ quá lâu, nơi tạm giữ chưa đáp ứng dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được. Hiện trong tổng số hơn 137.000 phương tiện tồn đọng có hơn 37.000 phương tiện đã hư hỏng.
Từ thực tế này, Thứ trưởng Bộ Công an kiến nghị rà soát, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh để được giữ/đem xe vi phạm về. Việc này nhằm hạn chế việc đưa các phương tiện về nơi tạm giữ.
Đề nghị quy định đối với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 ngày, nếu người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá.
“Đồng thời nghiên cứu quy định cho phép các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định pháp luật được đầu tư các địa điểm tạm giữ phương tiện, có thu phí theo quy định của Bộ Tài chính để huy động nguồn lực xã hội và giảm tải áp lực về kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho Nhà nước…” - ông Ngọc nêu đề xuất.
Xe trong bãi trầy, móp méo ai bồi hoàn? Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc tạm giữ các phương tiện quá lâu để rồi trở thành đống sắt vụn gây lãng phí tài sản của xã hội. Vì vậy, ông đề nghị xem xét lại thời gian tạm giữ phương tiện. “Người dân bị lập biên bản giữ xe, một tuần sau đi đóng phạt, vừa đóng phạt vừa đóng phí giữ xe thì không hợp lý. Nhiều khi xe đem ra vừa bị trầy, bị bể, hư hao nhưng lại không phí bồi hoàn gì hết…” - ông Hòa dẫn chứng. Còn đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại) đề nghị Bộ Công an, Bộ Tư pháp quan tâm đến thông tin phản ánh ở các vùng sâu, vùng xa về việc lợi dụng tạm giữ xe vi phạm để tiêu thụ xe gian, xe không giấy tờ. Có trường hợp xe lậu, giá trị rất cao nhưng cố tình vi phạm để bị bắt, đợi đến khi xe thanh lý thì tìm cách mua bằng được. “Những tên đầu nậu chỉ cần một quyết định thanh lý của hội đồng xử lý, trong đó có số khung, số máy, sau khi mua được thì sẽ thực hiện đăng ký lại. Mà giá bán thanh lý thì vô cùng lắm. Với cách làm đó, từ xe gian, bất hợp pháp sẽ thành xe hợp pháp”, ông nói và đề nghị Bộ Công an cho biết biện pháp giải quyết. |