Đề xuất siết điều kiện mở cơ sở đào tạo lái xe

(PLO)- Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất siết điều kiện mở cơ sở đào tạo lái xe, nới quy định đối với giáo viên dạy lái xe…

Cục Đường bộ vừa trình Bộ GTVT dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 65/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (SHLX).

Trong đó, cục này đề xuất điều chỉnh nhiều nội dung liên quan đến điều kiện mở cơ sở đào tạo lái xe, điều kiện dạy lái ô tô, phân cấp cho địa phương chấp thuận bố trí mặt bằng tổng thể hình sát hạch trung tâm sát hạch.

Giáo viên dạy lái xe chỉ cần học hết cấp III…

Theo Nghị định 65, giáo viên dạy lái xe phải đáp ứng các tiêu chuẩn như có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề, hoặc trung cấp trở lên, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với nghề giảng dạy, hoặc có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với nghề giảng dạy… Tuy nhiên, Cục Đường bộ khẳng định tiêu chuẩn này hiện nay không một giáo viên dạy lái xe nào đáp ứng được, vì trong hệ thống nghề đào tạo quốc gia không ngành nghề nào có chuyên ngành phù hợp với nghề đào tạo lái ô tô.

Cạnh đó, nghị định quy định giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên với một trong các chuyên ngành luật, công nghệ ô tô, công nghệ kỹ thuật ô tô, lắp ráp ô tô... Tuy nhiên, Cục Đường bộ cho rằng đây là quy định không cần thiết vì các môn học lý thuyết lái ô tô không liên quan nhiều đến chuyên ngành luật và ô tô.

Trên cơ sở đó, Cục Đường bộ đề xuất quy định cụ thể tiêu chuẩn trình độ chuyên môn của giáo viên dạy thực hành lái xe là tốt nghiệp THPT, có 50.000 km lái xe an toàn trở lên; có chứng chỉ sư phạm dạy nghề trình độ sơ cấp nghề hoặc chứng chỉ bồi dưỡng sư phạm bậc 1, hoặc chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp hoặc tương đương trở lên…

Bên cạnh đó, Cục Đường bộ cũng đề xuất siết việc thành lập các cơ sở đào tạo lái xe, theo hướng quy định việc đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo lái ô tô và trung tâm SHLX phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và phù hợp với mật độ dân cư trên địa bàn.

Theo đại diện Cục Đường bộ, việc đưa ra quy định trên vì thời gian vừa qua tại một số tỉnh, thành lớn xuất hiện tình trạng đầu tư xây dựng tràn lan các cơ sở đào tạo lái xe và các trung tâm SHLX. “Ngoài ra, do hoạt động đào tạo, SHLX hiện nay được xã hội hóa dẫn đến các nhà đầu tư chủ yếu đầu tư xây dựng tại các địa điểm thuận lợi, dẫn đến mất cân đối trong địa điểm xây dựng, cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động và gây lãng phí của cải cho xã hội…” - đại diện Cục Đường bộ cho hay.

Việc đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo lái ô tô và trung tâm sát hạch phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và phù hợp với mật độ dân cư trên địa bàn. Ảnh: THY NHUNG

Việc đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo lái ô tô và trung tâm sát hạch phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành và phù hợp với mật độ dân cư trên địa bàn.
Ảnh: THY NHUNG

Trao thêm quyền cho địa phương

Về điều kiện phòng học chuyên môn, Cục Đường bộ đề xuất cắt giảm từ năm phòng học xuống còn hai phòng là phòng học lý thuyết và phòng học kỹ thuật ô tô. Vì theo một số phòng học hiện có nội dung trùng lặp, thời gian dạy ít nên có thể lồng ghép tích hợp để học sinh dễ dàng nắm bắt được kiến thức. Đặc biệt, phòng học môn nghiệp vụ vận tải không phù hợp vì thực tế có trên 80% số người học lái xe không có nhu cầu làm nghề kinh doanh vận tải.

Đáng chú ý Cục Đường bộ đề xuất quy định cho phép Sở GTVT là cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bố trí mặt bằng tổng thể hình sát hạch trung tâm sát hạch loại 1, loại 2 và cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận trung tâm SHLX loại 1, loại 2 đủ điều kiện hoạt động, thay vì Cục Đường bộ quy định và cấp như hiện hành.

Theo Cục Đường bộ, đề xuất này đạt được mục tiêu thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương trong việc cấp phép, quản lý và sử dụng các trung tâm SHLX ô tô; giảm đầu mối thực hiện thủ tục hành chính trong việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận trung tâm SHLX đủ điều kiện hoạt động.

Tuy nhiên, cơ quan tham mưu xây dựng nghị định cũng dự báo khó khăn khi đội ngũ cán bộ, công chức quản lý lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại các sở GTVT còn mỏng. Cán bộ thường xuyên luân chuyển không có trình độ chuyên môn chuyên ngành phù hợp, việc đầu tư trang thiết bị kiểm tra ở một số Sở GTVT có ít trung tâm SHLX sẽ lãng phí.

“Thêm vào đó, việc kiểm tra, đánh giá do nhiều đơn vị thực hiện sẽ khó khăn trong việc đảm bảo đồng nhất về điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng sát hạch; khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm theo dõi để cảnh báo trên hệ thống các hiện tượng tiêu cực để nâng cao chất lượng…” - Cục Đường bộ cho hay.•

Quy định lại việc lắp đặt thiết bị giám sát quãng đường

Nghị định 65 quy định xe tập lái dùng để đào tạo lái ô tô phải có thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường của học viên. Tuy nhiên, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định phạm vi áp dụng thiết bị giám sát trên chỉ thực hiện trong khuôn viên cơ sở đào tạo lái xe.

Để thống nhất phạm vi, Cục Đường bộ đề xuất hai phương án, một là quy định rõ thiết bị giám sát thời gian và quãng đường được lắp đặt trên xe tập lái trên sân tập lái và xe tập lái trên đường giao thông. Hai là quy định chỉ lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường trên xe tập lái trên đường giao thông.

Sau khi phân tích các ưu và nhược điểm, Cục Đường bộ cho rằng phương án 2 phù hợp hơn, vì đồng bộ với các quy định khác, góp phần giảm lãng phí đầu tư của xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm