Đề xuất sửa chữa nhiều đoạn trên Quốc lộ 14 đang bị hư hỏng nặng

(PLO)- Nhiều nơi trên tuyến Quốc lộ 14 đoạn nối từ tỉnh Quảng Nam đến Đắk Nông đang hư hỏng nghiêm trọng, cần phải khắc phục sớm để bảo đảm an toàn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-1, trao đổi với PLO một lãnh đạo Văn phòng Quản lý đường bộ III.5, Khu quản lý đường bộ III, Tổng cục Quản lý đường bộ (Bộ GTVT) cho biết đơn vị đang đề xuất kế hoạch sửa lại Quốc lộ 14.

Vết cắt lốp xe trên đỉnh đèo Lò Xo

Đèo Lò Xo có tổng chiều dài khoảng 37 km, bắt đầu từ xã Đắk Man, huyện Đắk Glêi (Kon Tum) và điểm cuối là địa phận huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Theo đánh giá của cánh tài xế đường dài, đèo này nguy hiểm bậc nhất nước ta. Bởi dọc chiều dài toàn tuyến có rất nhiều khúc cua tay áo và dốc lên xuống liên tục. Nhiều người còn ví von cung đường đi lại lòng vòng, cong như cái lò xo.

Biển cảnh báo ở đèo Lò Xo. Ảnh: VŨ LONG

Biển cảnh báo ở đèo Lò Xo. Ảnh: VŨ LONG

Bằng chứng cho nhận định này là thời gian qua có rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại đây. Nhà chức trách đã cắm rất nhiều biển báo nguy hiểm, giảm tốc độ, xây dựng đường thoát hiểm… nhằm giảm thiểu các vụ tai nạn đáng tiếc.

Dốc cứu nạn trên đèo Lò Xo. Ảnh: VŨ LONG

Dốc cứu nạn trên đèo Lò Xo. Ảnh: VŨ LONG

Tuy nhiên, hiện nay đèo Lò Xo đã và đang hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Đáng chú ý ở địa phận cuối tỉnh Kon Tum, đầu huyện Phước Sơn đường đang bị biến dạng. Cụ thể, mặt đường làm bằng bê tông bị nứt toác ở nhiều nơi. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Một vị trí nứt nẻ trên đèo Lò Xo. Ảnh VŨ LONG
Một vị trí nứt nẻ trên đèo Lò Xo. Ảnh VŨ LONG

Vừa qua, gia đình anh Phan Anh Tuấn (38 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đi bằng phương tiện ô tô về Hà Tĩnh đón Tết và phải di chuyển qua con đèo này.

“Tôi cũng không ngờ con đường vốn dĩ rất hiểm trở lại bị xuống cấp nặng đến vậy. Mỗi lần xe đi qua đoạn này, chúng tôi có cảm giác mặt đường bê tông như con dao sắc lẹm, sẵn sàng cắt đứt lốp xe đang di chuyển” – anh Tuấn chia sẻ.

Mặt đường đèo Lò Xo xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: VŨ LONG
Mặt đường đèo Lò Xo xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: VŨ LONG

Đại diện Văn phòng Quản lý đường bộ III.3, Khu quản lý đường bộ III xác nhận đèo Lò Xo đang bị xuống cấp, nhưng ở địa phận huyện Phước Sơn hư hỏng nặng hơn.

Các phương tiện di chuyển trên đèo Lò Xo. Ảnh: VŨ LONG

Các phương tiện di chuyển trên đèo Lò Xo. Ảnh: VŨ LONG

"Chúng tôi đang tiến hành sửa chữa lại đèo Lò Xo bằng kinh phí bảo trì đường bộ và trong hai tháng tới sẽ xong. Tất cả những mặt đường bê tông xi măng bị nứt vỡ sẽ được bóc ra để làm lại” – vị đại diện này cho hay.

Mua phí BOT… để đi trên đường xuống cấp

Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14, giai đoạn hai) nối từ tỉnh Kon Tum đến Bình Phước đã được đầu tư, hoàn thiện từ năm 2015, tổng chiều dài khoảng 553 km (từ tỉnh Kon Tum đến huyện Chơn Thành, Bình Phước). Trong đó có khoảng 180 km làm bằng hợp đồng BOT, còn lại do nhà nước đầu tư.

Quốc lộ 14 bị lượn "sóng" đoạn qua xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút. Ảnh. VŨ LONG

Quốc lộ 14 bị lượn "sóng" đoạn qua xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút. Ảnh. VŨ LONG

Tại địa phận tỉnh Đắk Nông, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Toàn Mỹ 14 là chủ đầu tư Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 30 km; nối hai huyện Cư Jút và huyện Đắk Mil. Tổng mức đầu tư từ hơn 1.000 tỉ đồng, giảm xuống còn hơn 648 tỉ đồng. Dự án chính thức thu phí từ ngày 3-3-2015, thời gian thu gần 13 năm.

Đoạn đường thuộc dự án của Công ty Toàn Mỹ 14 làm chủ đầu tư bị xuống cấp chưa được sửa chữa. Ảnh: VŨ LONG
Đoạn đường thuộc dự án của Công ty Toàn Mỹ 14 làm chủ đầu tư bị xuống cấp chưa được sửa chữa. Ảnh: VŨ LONG

Theo phản ánh của nhiều tài xế chạy tuyến Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đi TP.HCM, dự án này thường xuyên xuống cấp. Cụ thể, mặt đường đang bị "lượn sóng" ở địa phận xã Tâm Thắng (gần Cầu 14). Đáng nói hơn, trên tổng chiều dài dự án này xuất hiện nhiều ổ gà, "hố trâu" ở xã Trúc Sơn (huyện Cư Jút). Nhà đầu tư dù đã nhiều lần "vá" lại, nhưng sang năm đường tiếp tục tái hỏng.

"Vá" mặt đường Quốc lộ 14 đoạn qua huyện Cư Jút (Đắk Nông). Ảnh: TNT

"Vá" mặt đường Quốc lộ 14 đoạn qua huyện Cư Jút (Đắk Nông). Ảnh: TNT

"Mỗi ngày, chúng tôi đều phải bỏ tiền mua phí mới được qua trạm BOT. Thực tế các phương tiện lại đi trên con đường chằng chịt ổ gà, ổ trâu. Tuy nhiên, nhà đầu tư không hề bớt cho đồng nào” – tài xế Trần Thanh Ng (ngụ huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) bức xúc.

Hiện trạng Quốc lộ 14 đoạn từ huyện Ea Hleo về huyện Krông Búk (Đắk Lắk). Ảnh: VŨ LONG

Hiện trạng Quốc lộ 14 đoạn từ huyện Ea Hleo về huyện Krông Búk (Đắk Lắk). Ảnh: VŨ LONG

Theo tìm hiểu của PV Pháp Luật TP.HCM, dự án đường Hồ Chí Minh nhiều nơi ở địa phận Đắk Lắk, Đắk Nông cũng chịu tình trạng tương tự. Đơn cử, đoạn từ TP Buôn Ma Thuột đi huyện Ea Hleo (Đắk Lắk) dù được đơn vị chức năng “vá”, nhưng mặt đường lại lô nhô tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Quốc lộ 14 đoạn qua xã Ea Đrơng, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk). Ảnh: VŨ LONG

Quốc lộ 14 đoạn qua xã Ea Đrơng, huyện Cư Mgar (Đắk Lắk). Ảnh: VŨ LONG

Lãnh đạo Văn phòng quản lý đường bộ III.5 cho biết Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh hoạt động đã tám năm nay nhưng chưa được đầu tư bảo trì, sửa chữa lại. Chỉ có nguồn chi thường xuyên để duy tu, bảo dưỡng, nơi nào xuất hiện ổ gà thì “vá” lại để đi lại êm thuận.

Quốc lộ 14 đoạn từ huyện Krông Búk đi huyện Ea Hleo. Ảnh: VŨ LONG

Quốc lộ 14 đoạn từ huyện Krông Búk đi huyện Ea Hleo. Ảnh: VŨ LONG

“Chúng tôi đang đề xuất kế hoạch sửa chữa (lớn) dọc tuyến Quốc lộ 14 (đoạn Đắk Lắk - Đắk Nông) trong năm 2024, nhưng không biết có tiền để làm hay không. Còn đoạn đường thuộc dự án của Công ty Toàn Mỹ 14, đầu năm 2023 này sẽ triển khai” – lãnh đạo Văn phòng quản lý đường bộ III.5 nói.

Sửa chữa 62 km đường của dự án BOT

Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư (làm bằng hợp đồng BOT) dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh từ cầu 110 (huyện Chư Pưh) đến đầu núi Hàm Rồng (TP Pleiku, Gia Lai), với tổng chiều dài khoảng 62 km. Dự án làm bằng hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng; vận tốc thiết kế 80 km/giờ, theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi. Gần đây, dự án này cũng đang bị hư hỏng.

Lãnh đạo Văn phòng Quản lý đường bộ III.4 cho biết đơn vị chỉ quản lý đoạn đường của Nhà nước đầu tư. Đoạn từ cầu 110 (hướng vào TP Pleiku) thuộc trách nhiệm của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai.

Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho biết, ngày 15-2 công ty sẽ tiến hành sửa chữa lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm