Đề xuất tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện lên 50%

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng mức hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện thêm  10-20% so với quy định hiện hành.

Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 25-11-2024, cả nước có hơn 2,1 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên số người chưa tham gia còn rất lớn. BHXH một số địa phương nhận định, một trong những khó khăn của việc vận động người làm nghề tự do tham gia BHXH tự nguyện là do mức hỗ trợ của Nhà nước còn thấp.

2 phương án tăng mức hỗ trợ

Luật hiện hành đang quy định Nhà nước hỗ trợ người đóng BHXH tự nguyện theo tỉ lệ phần trăm trên mức đóng hàng tháng. Cụ thể, hộ nghèo là 30%, hộ cận nghèo 25% và 10% đối với các trường hợp khác.

Mức hỗ trợ trên dù đã bù đắp một phần cho người tham gia BHXH tự nguyện, song báo cáo của các địa phương cho thấy mức hỗ trợ hiện hành chưa khuyến khích được nhiều người tham gia (nhất là người nghèo).

Do đó, Luật BHXH 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025) quy định người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng bằng 22% thu nhập vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Còn chế độ thai sản được Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng.

Nhân viên BHXH vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện để về già hưởng lương hưu. Ảnh: V.LONG

Thêm vào đó, luật mới cũng giao Chính phủ quy định chi tiết các chính sách hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Trong đó, cơ quan soạn thảo muốn điều chỉnh tăng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia chính sách trên.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án tăng tỉ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, phương án 1, Nhà nước hỗ trợ 50% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo, 40% đối với hộ cận nghèo, 30% đối với người tham gia BHXH thuộc dân tộc thiểu số và 20% đối với các đối tượng khác.

Phương án 2, Nhà nước hỗ trợ 30% với hộ nghèo, 25% hộ cận nghèo, 20% người dân tộc thiểu số và 10% đối với các đối tượng khác.

Người tham gia BHXH tự nguyện thuộc nhiều đối tượng được hỗ trợ ở mức khác nhau thì được hỗ trợ theo mức cao nhất.

Người lao động tham gia chính sách trên trước ngày 1-1-2021 và đủ 20 năm đóng BHXH tự nguyện trở lên được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ. Sau thời điểm này, người lao động hưởng lương hưu như người tham gia BHXH bắt buộc (đủ 15 năm đóng BHXH và nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi).

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, việc tăng mức hỗ trợ là theo kiến nghị của các cử tri, đại biểu Quốc hội. Bởi lẽ nhóm hộ nghèo, cận nghèo là nhóm yếu thế trong xã hội, họ thực sự khó khăn, cần được ưu tiên hỗ trợ để đảm bảo an sinh xã hội.

Ai cũng muốn về già có lương hưu

Là người từng tìm hiểu chính sách BHXH tự nguyện rất kỹ càng, chị Trần Thị Liễu (ngụ huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết đã tham gia buổi tuyên truyền của nhân viên BHXH từ hai năm trước và thấy các chế độ rất ý nghĩa và thiết thực với bản thân.

Sau đó, chị quyết định đăng ký tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 183.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình khó khăn chị không thể tiếp tục theo.

“Nếu Nhà nước hỗ trợ ở mức cao hơn hiện nay tôi sẽ tham gia tiếp vì ai cũng muốn về già có lương hưu”- chị Liễu nói.

Còn chị A Lăng Chiếc (ngụ xã Gia Đông, Quảng Nam), chia sẻ hiện mức thu nhập của người dân vùng dân tộc thiểu số Cơ Tu như chị khoảng từ 1-2 triệu đồng/tháng. Do đó, việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho người dân khi họ tham gia BHXH tự nguyện là rất ý nghĩa, tạo điều kiện để nhiều người có thể tham gia hơn.

“Trường hợp Nhà nước hỗ trợ ở mức cao hơn, người dân chỉ phải đóng trên dưới 100.000 đồng mỗi tháng tôi nghĩ là không cao họ sẵn sàng tham gia vào mạng lưới an sinh xã hội để được hưởng lương hưu. Không ai muốn về già phải ngửa tay xin tiền con cháu…”- chị Chiếc nói.

Nhân viên BHXH tổ chức tuyên truyền để thu hút đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: V.LONG

Trong khi đó, đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Bình cho rằng đề xuất tăng mức hỗ trợ trên là phù hợp. Bởi lẽ, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mặc dù đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ 30% và 25% kinh phí tham gia BHXH tự nguyện, nhưng do thu nhập thấp nên tỉ lệ đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện vẫn rất hạn chế.

Tại tỉnh Thái Bình tính đến hết tháng 11-2024 có gần 60.000 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó chỉ có 366 người thuộc hộ nghèo, 645 người thuộc hộ cận nghèo.

“Nếu lựa chọn theo phương án 1, dự kiến số người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương năm 2025 sẽ tăng gấp 3 lần lên 1.200 người thuộc hộ nghèo, 2.100 người thuộc hộ cận nghèo và đối tượng khác tăng thêm 20% lên 72.000 người. Số tiền ngân sách Nhà nước dự kiến hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện trong một tháng khoảng 5,2 tỉ đồng…”- đại diện Sở LĐ-TB&XH cho hay.

Đồng quan điểm, đại diện Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng và tỉnh An Giang cũng đề nghị chọn phương án 1. Bởi vì mức hỗ trợ này cao hơn so với quy định hiện nay, góp phần thu hút, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong thời gian đến.

Nên hỗ trợ 70% cho người nghèo tham gia BHXH tự nguyện

Theo Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nên tăng mức hỗ trợ Nhà nước lên 70% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo. Lý do là tỉ lệ hộ nghèo có xu hướng ngày càng giảm sâu ở tất cả các vùng miền, địa phương trong cả nước. Đồng thời, các nguyên nhân dẫn đến lý do họ chưa thoát nghèo được thuộc yếu tố khách quan, bất khả kháng nhiều hơn.

Vì vậy, việc nâng cao mức hỗ trợ nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo là cần thiết và có tính khả thi cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới