Người tham gia BHXH tự nguyện có bị cấm rút BHXH 1 lần?

(PLO)- Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án rút BHXH một lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện thay vì một phương án như trước đây.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội và người dân, Bộ LĐ-TB&XH vừa hoàn thiện dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 diễn ra vào cuối tháng 5-2024.

Trong đó, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án rút BHXH 1 lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện thay vì chỉ 1 phương án như trước đây.

Từ quy định “cứng” chuyển sang “mềm”

Theo dự luật trước đây, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án BHXH 1 lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc. Đối với người tham gia BHXH tự nguyện, dự luật quy định theo hướng “cứng” là 1 phương án.

Cụ thể, người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến 1-7-2025), sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH 1 lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành sẽ không được rút BHXH 1 lần nữa.

Quy định như trên có nhiều ý kiến trái chiều, nên trong dự thảo Luật BHXH chuẩn bị trình ra Quốc hội, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất thêm phương án 2.

Cụ thể, sau 12 tháng người lao động không tham gia BHXH bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH 1 lần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ BHXH.

Như vậy, trong lần trình Quốc hội tới đây, quy định về BHXH 1 lần của người tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc đều được thiết kế 2 phương án giống nhau.

Nhân viên BHXH tuyên truyền chính sách để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: N.LONG
Nhân viên BHXH tuyên truyền chính sách để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ảnh: N.LONG

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, qua lấy ý kiến người lao động, chuyên gia, công đoàn các cấp đều đề nghị nghiên cứu quy định theo phương án 2.

Mục đích là để đảm bảo quyền lợi về lâu dài cho người lao động, giữ họ ở lại lưới an sinh xã hội. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để họ tiếp tục tham gia BHXH, quan trọng hơn là bảo đảm có lương hưu khi về già.

Ngoài ra, phương án 2 còn đưa ra gợi ý về thiết kế hệ thống BHXH linh hoạt trong tương lai.

“Thực tế, nhiều người lao động không muốn tham gia BHXH do thời gian đóng quá dài, không được rút ra để có thêm một khoản thu nhập nào cho nhu cầu cá nhân, hộ gia đình. Vì vậy, trong tương lai, thiết kế BHXH nên cho phép người lao động có thể rút ra một phần thu nhập đã đóng góp để bảo đảm một số nhu cầu cá nhân…”- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nêu.

Ông Tô Mạnh Linh, Phó Giám đốc Thị trường, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tập đoàn Vinacontrol, cũng cho rằng chính sách cho người lao động rút BHXH 1 lần cần được duy trì và không phân biệt trước hay sau khi luật sửa đổi, bởi đây là quyền lợi chính đáng của người lao động.

Thêm vào đó, ông Linh lo ngại các phương án đều dẫn đến tâm lý e ngại của người dân và xu hướng rút BHXH 1 lần gia tăng.

Chế độ thai sản 2 triệu đồng nhiều hay ít?

Với người tham gia BHXH tự nguyện, dự luật bổ sung thêm chế độ thai sản. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 2 triệu đồng khi sinh con thay vì chỉ nhận 2 chế độ là lương hưu và tử tuất như hiện nay.

Đối với lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn khi sinh con thì ngoài mức hưởng 2 triệu đồng nêu trên vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ khi sinh con theo quy định khác của Chính phủ.

Theo dự thảo luật, trường hợp người lao động được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHXH thì khi rút BHXH 1 lần chỉ được nhận phần mình đóng.

Theo đại diện công đoàn ngành giáo dục Việt Nam, mức trợ cấp như đề xuất của dự thảo là quá thấp, không đáp ứng được với các chi phí trong thời gian mang thai, sinh con. Đặc biệt, căn cứ vào mức sống của từng vùng, thì số tiền trợ cấp nói trên càng chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho người mẹ sinh con.

Chính vì thế, mức trợ cấp trên cần được điều chỉnh tăng lên để đảm bảo thực hiện được chủ trương khuyến khích, thu hút nhiều người tham gia loại hình BHXH tự nguyện của Nhà nước.

“Chi phí hưởng chế độ trợ cấp thai sản do ngân sách Nhà nước đảm bảo và có sự chia sẻ quỹ BHXH nhằm đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân cho các bà mẹ sinh con tại Việt Nam…”- đại diện công đoàn ngành giáo dục Việt Nam nêu ý kiến.

Còn Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết thông qua các hội nghị nhiều ý kiến công đoàn viên đề nghị cơ quan soạn thảo nâng mức hỗ trợ này. Theo tiêu chuẩn quốc tế, phụ nữ cần được nghỉ thai sản ít nhất 14 tuần thì mức này chỉ tương đương 145.000 đồng/tuần, tức khoảng 600.000 đồng/tháng, bằng 40% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn. “Đây là mức hỗ trợ thấp!”- đại diện người lao động nhận xét.

Trước đó, tại các cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến đề nghị nếu 2 vợ chồng cùng tham gia BHXH tự nguyện thì lúc sinh con sẽ được hưởng chế độ thai sản là 4 triệu đồng, tức gấp đôi so với gia đình chỉ có cha hoặc mẹ đóng BHXH tự nguyện.

Thêm vào đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định mức trợ cấp thai sản cứng trong luật mà linh hoạt hoặc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ quyết định. Song song đó, có ý kiến đề nghị tăng lên mức 4 triệu đồng, trường hợp gia đình mà có cả mẹ và cha đều tham gia BHXH thì mức hưởng là 6 triệu đồng…

Về các vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định đây là quy định mới, để tạo sự đồng thuận khi thông qua và triển khai thống nhất thì cần thiết quy định cụ thể mức khởi điểm trong dự luật và có nguyên tắc giao Chính phủ có thẩm quyền điều chỉnh mức này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước.

“Cạnh đó, mức trợ cấp là 2 triệu đồng cho một con mới sinh là khoản hỗ trợ do ngân sách Nhà nước bảo đảm, việc quy định mức này đã được Chính phủ tính toán, đánh giá tác động, phù hợp với cân đối nguồn lực của ngân sách…”- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho hay.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính năm 2025 sẽ có khoảng 80,7 nghìn trẻ em được hưởng chính sách chế độ thai sản (do bố hoặc mẹ tham gia BHXH tự nguyện), năm 2030 là 138 nghìn người.

Theo đó, kinh phí từ ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách này như sau: Kinh phí của năm 2025 (6 tháng) khoảng 81 tỉ đồng, của cả giai đoạn 2025 - 2030 là 1.201 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm