Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai sáng 24-7, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cho biết bão số 4 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km.
Trong chiều và đêm hôm nay (24-7), các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa. Từ ngày 25-7, do ảnh hưởng của bão nên các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa to đến rất to (100-250 mm cả đợt).
Đến 10 giờ ngày 25-7, vị trí tâm bão trên khu vực phía Nam vịnh Bắc bộ, cách đất liền các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Bình khoảng 200 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 9-10.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 26-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 7-8.
Từ sáng (25-7), ở vịnh Bắc bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh dần lên cấp 6, khu vực Nam vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao 3-5 m; vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sóng cao 2-3 m. Biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai bão: Cấp 3.
Từ chiều tối và đêm 25-7 ở đồng bằng Bắc bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và khu vực Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to.
Để đối phó với bão số 4, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương chủ động nơi neo đậu thuyền bè, tránh chủ quan và rút kinh nghiệm vụ chìm tàu VTB 26 vừa qua. "Phải làm quyết liệt, tránh tình trạng hô hào, kêu gọi nhưng làm không đến nơi đến chốn” - ông Hoài nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng lưu ý vấn đề neo đậu tàu thuyền là quan trọng, tránh xảy ra tình trạng đáng tiếc như tàu VTB 26 chìm ở Nghệ An vừa qua. Thứ trưởng cho rằng Thanh Hóa - Quảng Bình là khu vực dốc, vừa qua lũ quét, lũ ống đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, do vậy các tỉnh cần có phương án ứng phó kịp thời.